Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lật lại hồ sơ dầu khí Nga – Ukraine

Kỳ 1: Những người bạn nguỵ trang
 
Sau khi tập đoàn Naftogaz của Ukraine bị cơ quan an ninh quốc gia Nga lục soát, Thủ tướng và Tổng thống nước này ra những tuyên bố trái ngược, chỉ trích lẫn nhau. Nhà báo Misha Glenny của BBC lật lại hồ sơ bí mật đằng sau tập đoàn này và các thế lực trong khu vực dùng dầu, khí đốt làm vũ khí triệt hạ nhau. SGTT trích dịch.

Khi Eural Trans Gas (ETG) mở cơ sở ở Hungary tháng 12.2002, các nhà phân tích kinh tế đều nói công ty này không hề có triển vọng. ETG có ít tài nguyên và khoản tài sản đăng ký trị giá 12.000 USD. Cơ ngơi của ETG thuộc loại nhỏ nhất Csabdi, một ngôi làng vô danh cách Budapest 30km về phía tây. Cổ đông danh nghĩa của nó không phải là những người làm kinh tế. Louise Lukacs là một nữ diễn viên thất nghiệp từ thành phố Cluj ở vùng Transylvania của Rumany. Louise cho biết bà đồng ý làm cổ đông của ETG vì công ty này có thể trả lương cho bà. “Ít nhất cũng trang trải được tiền thuê bao điện thoại”, bà nói. “Tôi phải trả hơn 35 USD tiền điện thoại mỗi tháng”.

Misha Glenny Sinh năm 1958, Misha Glenny là nhà báo Anh, từng làm đặc phái viên Trung Âu, lúc đầu là cho nhật báo Guardian và sau đó cho BBC, tường thuật sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô cùng những cuộc chiến ở Nam Tư cũ. Misha Glenny đã được trao nhiều giải thưởng truyền thông lớn, trong đó có giải Sony Gold Award 1993 cho những “đóng góp ngoại hạng trong lĩnh vực tường thuật phát thanh”.

Louise tuyển hai người tiên phong bất đắc dĩ tương tự vào cái doanh nghiệp này: Một nhân viên IT và bạn gái hắn, một y tá sống chung với mẹ trong một căn hộ chật chội. Giống Louise, họ rất nghèo. Cổ đông thứ tư là Ze’ev Gordon, luật sư của Mogilevich ở Tel Aviv. Gordon cho biết: “Tôi chỉ được yêu cầu đóng vai cổ đông thay cho một thương gia Ukraine là Dimitri Firtash. Đây là một dịch vụ, thế thôi”.
 
Rõ ràng Gordon đã giúp ích rất nhiều cho Firtash. Trong năm hoạt động đầu tiên, ETG từ một doanh nghiệp 12.000 USD trở thành một công ty có doanh thu 2 tỉ USD với lợi nhuận chưa trừ thuế là 180 triệu USD.
 
Nhưng rồi xuất hiện một tổng giám đốc, một ông Andras Knopp nào đó từng là bộ trưởng Giáo dục Hungary. Trước ETG, tay này làm đại diện ở Moscow cho Reemtsa, công ty thuốc lá khổng lồ của Đức. Trong một cuộc phỏng vấn sau khi quy mô thành công của ETG đã rõ ràng, Knopp thừa nhận: “Nói chính xác thì các cổ đông vẫn là ba công dân Rumany và một Israel, nhưng các công ty bố mẹ đích thực lại là Gazprom và Naftogaz Ukrainy (NAK)”.
 
Theo Knopp, hai tập đoàn dầu khí Nga và Ukraine này đã không nhận được hồ sơ cần thiết để đăng ký công ty ở Hungary trước ngày 21.12, hạn chót cho các doanh nghiệp mới ở Hungary đăng ký quy chế ngoại quốc (và được hưởng ưu đãi thuế rất nhiều). Để được giảm thuế, bộ ba ngơ ngác người Transylvania và Ze’ev Gordon nhảy dù vào làm trung gian để thành lập công ty trước.
 
Lời giải thích này không phải là không hợp lý, thay vì phải đóng 18% thuế doanh nghiệp, ETG chỉ đóng có 3% cho tới năm 2005, trùng hợp với thời hạn mà hai hợp đồng duy nhất của nó cũng hết hiệu lực – một hợp đồng với Gazprom và một với NAK để vận chuyển khí đốt từ Turkmenistan sang Đông Âu băng qua Nga và Ukraine. Một cách trốn thuế hợp pháp và khá minh bạch.
 
Nhưng vậy thì sao Gazprom và NAK thẳng thừng phủ nhận họ là công ty cha mẹ của ETG? NAK công khai tuyên bố ETG là “một nhà thầu của Gazprom.” Gazprom phản ứng bằng cách bảo là chính NAK đã chọn ETG. Và tại sao cả hai tập đoàn đều ký hợp đồng cho thầu một công việc mà chính họ có thể làm dễ dàng? Và tại sao cả hai đều từ chối không nhận những thành quả doanh thu này cho mình và các cổ đông, mà lại giao hết cho cái công ty bé bằng cái lỗ mũi ở một ngôi làng Hungary?

Đường ống cung cấp khí đốt của nhà máy nén khí ở thành phố Boyarka, gần thủ đô Kiev, ngày 4.1.2009. Ảnh: AFP/TTXVN

Gazprom là một tập đoàn khổng lồ. Với doanh thu hàng năm xấp xỉ 30 tỉ USD, nó đại diện cho gần 1/3 nguồn sản xuất khí đốt toàn cầu, 8% GDP của Nga và gần 1/4 tiền thu thuế của nước này. Gazprom có tham vọng trở thành, và rất có thể đã thành một công ty năng lượng có thế lực nhất thế giới. Là bộ trưởng Công nghiệp dầu khí Liên Xô ngay trước khi nền kinh tế chỉ huy sụp đổ, Viktor Chernomyrdin, sau này được bổ nhiệm làm thủ tướng Nga, đã chuyển tài nguyên khí đốt tự nhiên khổng lồ của Liên Xô thành một công ty nhà nước duy nhất năm 1989. Bốn năm sau, công ty này được tư hữu hoá. Nó độc quyền kiểm soát rất hiệu quả trên toàn bộ hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Nga. Bất kỳ nguồn khí đốt nào từ Turkmenistan, Uzbekistan hay Kazakhstan muốn đến được các thị trường Tây Âu đều phải đi qua các đường ống của Gazprom, nên Nga có lợi thế khổng lồ so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Trong những năm gần đây, lợi thế này đã trở thành một công cụ trong chính sách đối ngoại của Nga, là quyền lực để gây sức ép với các nước cộng hòa Xô-viết cũ như Georgia và thậm chí với cả khách hàng lớn nhất là Tây Âu.
 
Vậy tại sao Gazprom lại trả tiền cho một công ty khác, bề ngoài có vẻ như không hề liên quan, để vận chuyển khí đốt thuộc sở hữu của Gazprom đi qua những đường ống của Gazprom? Ngân hàng Gazprombank lại cho ETG vay 70 triệu USD và bảo đảm một khoản vay thương mại 227 triệu USD. Không thể nào hiểu nổi – trừ phi, những kẻ xa lạ ấy có lẽ là những người bạn nguỵ trang.
 
Kỳ 2: Mafia được nhà nước bảo kê
 
Nga muốn “lập trật tự” cho trung chuyển khí đốt
Hành động của cơ quan An ninh quốc gia Ukraine (SBU) ngày 4.3 tiến hành lục soát trụ sở tập đoàn dầu khí Naftogaz để tịch thu hợp đồng khí đốt mà chính phủ nước này đã ký với Nga, không những làm mất uy tín Ukraine với tư cách là nước trung chuyển khí đốt, mà còn thôi thúc Moscow tìm kiếm các tuyến đường cung cấp khí đốt mới cho châu Âu. Việc xây dựng các tuyến đường thay thế này có thể giúp đưa các nước hiện tham gia trung chuyển khí đốt “vào kỷ luật”.
 
Đó là tuyên bố của Thủ tướng Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo ngày 10.3 với người đồng cấp Hungary Ferenc Gyurcsany tại Moscow.
 
(TTXVN)
 
 
 

(SGTT)

ĐỌC THÊM