Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lập quỹ bình ổn – Cứu cánh của doanh nghiệp?

 Giá xăng dầu, giá gas, giá thuốc, phân bón tăng cao, thép ế hàng...doanh nghiệp, các bộ ngành đều lên tiếng “đòi” thành lập quỹ bình ổn.  Nguồn tiền, hàng cho quỹ hoạt động sẽ lấy ở đâu? Quỹ sẽ hoạt động thế nào, liệu có thực sự giúp doanh nghiệp thoát khó khăn?

Các ngành hàng như xăng dầu sẽ thoát khó khăn khi có quỹ bình ổn?  Ảnh: Phạm Yên

Tới tấp đòi lập quỹ 

Kiến nghị thành lập quỹ bình ổn xăng dầu để doanh nghiệp có thể bỏ vào khi lãi và lấy ra khi lỗ.

Khủng hoảng tài chính khiến doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn và mong sớm có quỹ hỗ trợ để giải quyết vốn.

Giá thuốc tăng cao ngành y tế khi làm việc với cơ quan chủ quan cũng yêu cầu một trong những giải pháp có tính chiến lược để ổn định giá thuốc là lập quỹ bình ổn giá thuốc.

Trước thực trạng thép ế và rớt giá vừa qua,  lo nhà sản xuất phá sản, ngoài xin tăng thuế nhập khẩu để “đẩy” giá thành lên,  Hiệp hội thép còn lên tiếng kêu gọi Chính phủ thành lập quỹ bình ổn.

Thậm chí e ngại về việc giá lương thực, thực phẩm có thể tăng cao, đã có lúc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị thành phố lập quỹ bình ổn giá lương thực, thực phẩm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Tháng 7/2008, ý tưởng về việc thành lập quỹ bình ổn thị trường chứng khoán đã được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các quỹ đầu tư và Cty chứng khoán tại TPHCM.

Quỹ bình ổn chứng khoán là một mô hình góp vốn bằng tiền mặt của các thành viên thị trường nhằm ổn định thị trường chứng khoán khi có những chuyển biến mạnh.

Số tiền đóng góp vào quỹ có thể chỉ là nguồn vốn của Nhà nước hoặc bao gồm cả nguồn đóng góp của các chủ thể tham gia thị trường. Quỹ tham gia hỗ trợ bình ổn thị trường bằng cách mua vào hoặc bán ra khi thị trường quá lạnh hoặc quá nóng...

Nêu lên khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa, tại hội thảo về kinh tế ngày 26/10 tổ chức ở Hà Nội, GS- TS Cao Cự Bội đã đề xuất nên chăng thiết lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp  thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ để thành lập quỹ.

Quỹ này sẽ có chức năng hỗ trợ ngân hàng thông qua lãi suất hoặc cho vay ưu đãi, bảo lãnh...đáp ứng khó khăn bất khả kháng về vốn của doanh nghiệp. GS-TS Cao Cự Bội cũng cho rằng việc nêu ý tưởng thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trên của ông sẽ có người áp đặt là hành động “xin-cho”.

Để tránh tiêu cực, cần ủy thác cho hệ thống ngân hàng tiến hành nghiệp vụ theo nguyên tắc kinh tế thị trường và giảm được thất thoát. “Quỹ này có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng và chuyển qua cho các ngân hàng quản lý giải ngân để đảm bảo minh bạch tài chính”- Ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài đề án quỹ bình ổn xăng dầu đang được hai Bộ Tài chính và Công Thương nghiên cứu, về cơ bản những kiến nghị trên đều chưa có hồi âm.

Nói về quỹ bình ổn xăng dầu, cách đây ít ngày, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh từng cho rằng việc thành lập quỹ để điều hoà xăng dầu là cần thiết và nên nghĩ ra cách gì đó để doanh nghiệp chủ động.

“Ví dụ ngân hàng  cho người ta trích dự phòng rủi ro thì đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải thế. Lúc giá lên, anh được thì phải dành ra một khoản để lập quỹ. Lúc giá xuống thì không phải anh điều chỉnh ngay”- Ông Ninh nhấn mạnh.

Theo TS kinh tế Lê Đăng Doanh, việc hình thành quỹ bình ổn giá để trong những thời đoạn giá thị trường thế giới biến động tạo ra sự chênh lệch giá thì DN kinh doanh xăng dầu vẫn có thể đứng vững là cần thiết nhưng quỹ bình ổn này không nên lấy từ ngân sách quốc gia mà DN nên tự lập ra quỹ.

Ra đời và hoạt động: Không dễ!

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, việc sử dụng và vận hành Quỹ bình ổn chứng khoán (nếu ra đời) cũng tương đối phức tạp vì các thành viên thị trường phải đóng góp tiền mặt, không phải cổ phiếu hoặc trái phiếu để quỹ hoạt động.

Khó khăn lớn theo ông Kỳ ngoài  quy định về khi lỗ ai chịu, lãi chia thế nào còn là làm sao để có một cơ chế công tâm. Thêm vào đó, ông Kỳ thừa nhận ở Việt Nam vẫn có tình trạng đầu cơ và thao túng nên việc vận hành quỹ là một vấn đề rất phức tạp.

Về việc thành lập quỹ bình ổn thép (đã từng có thời điểm ngành  thép xin thành lập Quỹ với số vốn lên đến 400 tỷ đồng vay qua Bộ Tài chính không tính lãi), dù kiến nghị nhưng các doanh nghiệp thép đều thừa nhận: việc lập ra một quỹ bình ổn thép là điều rất khó khăn do cần một lượng vốn lớn.

Trao đổi với Tiền phong, TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng việc kiến nghị lập quỹ bình ổn của các ngành nếu không cẩn thận rất dễ thành phong trào.

Theo ông Ánh, trước hết, doanh nghiệp, bộ ngành phải khẳng định được mục tiêu lập quỹ bình ổn để làm gì; Tiềm lực tài chính của quỹ sẽ ra sao, tính chất của quỹ là dự trữ hàng hay tiền? Nếu dự trữ tiền, chắc chắn sẽ cần một lượng tiền đáng kể, còn hàng hóa sẽ phải mất một số chi phí để quản lý.

“Thời gian qua, rất nhiều ngành, doanh nghiệp đòi thành lập quỹ. Họ không thể hô hào mà phải có luận chứng rõ ràng, phải luận giải được sự cần thiết, cũng như việc khi có quỹ rồi sẽ làm được gì” - Ông Ánh nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia kinh tế, thay vì trông chờ vào việc ra đời các Quỹ bình ổn cách tốt nhất là rất nhiều ngành, doanh nghiệp nên tự lực cánh sinh. Đơn cử như với doanh nghiệp thép, thay vì chờ quỹ, có thể kiến nghị Chính phủ có chính sách giãn nợ, giãn thuế để doanh nghiệp sản xuất phôi thép có thể trụ vững.

Về lâu dài, thay vì lo chạy theo giá thế giới, doanh nghiệp cần tăng cường công tác dự báo tốt, đồng thời liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí bằng việc đầu tư sản xuất quy mô lớn.

(Tiền Phong)

ĐỌC THÊM