Ngày 14/3, Đoàn công tác do Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp dẫn đầu đã tới làm việc với một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu trên địa bàn TP.HCM nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo kênh thông tin kết nối giữa doanh nghiệp và Hải quan trong quá trình triển khai thực hiện XNK hàng hóa.
Công chức Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 giám sát xăng dầu NK. Ảnh: T.H
Đoàn công tác đã làm việc với Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn). Đây là 2 trong số 19 doanh nghiệp đầu mối XNK xăng dầu trong cả nước.
Làm việc trực tiếp với ban giám đốc và các phòng chức năng của doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, định kì Cục Hải quan TP.HCM và các chi cục vẫn tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp đông, lãnh đạo doanh nghiệp thường ít đi dự những hội nghị đối thoại này, nên Cục Hải quan TP.HCM đến doanh nghiệp để gặp gỡ ban lãnh đạo nhằm trao đổi thông tin, trực tiếp nghe doanh nghiệp trao đổi về những bất cập vướng mắc trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa của DN… xây dựng kênh thông tin doanh nghiệp- hải quan.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các doanh nghiệp xăng dầu đã thông báo với đoàn công tác về tình hình hoạt động XNK xăng dầu của doanh nghiệp trong năm 2017, để cơ quan Hải quan chủ động được nguồn thu.
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cho biết, do nhập khẩu mặt hàng đặc thù, với số lượng rất lớn, trong thời gian qua, các doanh nghiệp xăng dầu đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan Hải quan nói chung và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 nói riêng. Mọi vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan đều được doanh nghiệp phản ánh và được lãnh đạo Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 và Đội thủ tục xăng dầu giải đáp, hướng dẫn tận tình, cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục, doanh nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc liên quan đến chính sách mặt hàng. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cũng đã nêu một số vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 38 và C/O form D, đồng thời góp ý kiến đối với các nội dung dự thảo sửa đổi các văn bản này.
Ông Trần Thế Truyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM cho biết, tình hình kinh doanh xăng, dầu của đơn vị trong vài năm trở lại đây có khó khăn hơn, doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh mặt hàng gas. Tới tháng 9/2017, các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đưa ra thị trường, việc nhập khẩu xăng dầu chắc chắn sẽ giảm.
Liên quan đến chính sách mặt hàng, ông Truyền kiến nghị, đối với C/O form D mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, nên cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như các mặt hàng nhập khẩu khác; xây dựng giá cơ sở phải sát với giá nhập khẩu.
Hiện nay, doanh nghiệp đang triển khai phần mềm theo dõi quản lý số lượng xăng dầu kết nối với cơ quan Hải quan theo quy định. Doanh nghiệp tự động hóa khâu cấp phát hàng hóa đối với xe bồn, đang lắp đặt hệ thống camera kiểm tra bồn chứa…
Tại Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn), Phó Giám đốc Dương Văn Phi cho biết, Điều 129 Thông tư 38 quy định về kiểm tra trước, hoàn thuế sau, xăng dầu tạm nhập, tái xuất (TNTX) thực hiện bảo lãnh thuế 100%, khi được bảo lãnh thuế sẽ là đối tượng miễn thuế, trong khi đó kinh doanh xăng dầu có giấy phép NK nhưng là giấy phép NK tối thiểu và đối với kinh doanh TNTX thì không phải là NK kinh doanh nội địa nên việc kiểm tra chất lượng đầu vào là không bắt buộc. Do vậy kiến nghị mặt hàng xăng dầu thuộc diện TNTX thì thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Kiến nghị về thời gian xác minh C/O, đại diện Petrolimex Sài Gòn cho rằng, quy định “Việc xác minh C/O trong vòng 150 ngày, quá thời hạn không nhận được kết quả sẽ bị từ chối” rất rủi ro cho doanh nghiệp là người thụ hưởng C/O có thể bị từ chối dẫn đến cùng lúc lại bị áp thuế MFN và thưa kiện pháp lý với người bán là người gửi, cấp C/O.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi thông tư quy định theo hướng: trong vòng 150 ngày cơ quan Hải quan sẽ thông báo cho người nhập khẩu lý do các C/O bị từ chối, người nhập khẩu khi đó có trách nhiệm làm việc với người xuất khẩu và người cấp C/O để bổ sung và giải trình. Nếu không nhận được phản hồi đầy đủ từ các bên liên quan, cơ quan Hải quan có quyền từ chối các C/O này.
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cũng gợi ý doanh nghiệp làm thủ tục gửi cơ quan Hải quan xem xét, công nhận là doanh nghiệp ưu tiên để được hưởng nhiều chế độ ưu đãi trong thủ tục XNK hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN, nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh của DN.
Nguồn tin: Haiquan