Sự sáp nhập này sẽ dẫn tới việc hình thành một tập đoàn dầu khí lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ 8 thế giới.
Hiện Shin Nippon chiếm trên 22,1% và Shin Nikko chiếm trên 10% thị phần xăng dầu Nhật Bản. Doanh số hàng năm của hai công ty này lên tới 13.000 tỷ yên, chiếm 33% thị phần Nhật Bản, gấp 2 lần công ty đứng thứ hai tại Nhật Bản là Exxon Mobil. Đồng thời, sau khi sáp nhập, công ty mới sẽ trở thành công ty lớn thứ 4 Nhật Bản, sau công ty sản xuất ôtô Toyota, công ty thương mại tổng hợp Mitsuibishi, Mitsui. Theo thống kê, hai công ty trên có 10 cơ sở hoá dầu, hệ thống 13.000 cây xăng trên toàn Nhật Bản.
Lượng tiêu thụ xăng dầu tại Nhật Bản giảm liên tục 10% mỗi năm từ năm 2005-2007. Trên thực tế, công ty Shin Nippon đã rơi vào tình trạng thua lỗ. Trong khi đó, chỉ có 2 cơ sở hoá dầu nhưng Shin Nikko là công ty yếu nhất trong số 6 đại gia thị trường xăng dầu Nhật Bản, khả năng cạnh tranh và tồn tại độc lập tương đối yếu. Trong bối cảnh đó, sáp nhập nhằm mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị phần sẽ giúp các công ty dầu khí tăng cường khả năng cạnh tranh.
Đây là đợt sáp nhập quy mô lớn trong lĩnh vực dầu khí của Nhật Bản kể từ năm 1998 giữa Công ty dầu khí Nhật Bản và Công ty dầu khí Mitsubishi. Sự kiện này gây chấn động và sẽ là nhân tố thúc đẩy quá trình tái cơ cấu thị trường giữa 6 công ty thống trị thị trường dầu khí Nhật Bản.
Ngoài ra, ngày 4/12, nhà lọc dầu hàng đầu Nhật Bản Nippon Oil Corp. và đối thủ nhỏ hơn Nippon Mining Holdings Inc. cho biết họ đã nhất trí sáp nhập nhằm đối phó với những biến động đột ngột trong ngành năng lượng toàn cầu.
Theo thông báo, Nippon Oil Corp. và Nippon Mining Holdings Inc. có kế hoạch sáp nhập vào tháng 10/09 thành một công ty cổ phần chung và trở thành "một trong những tập đoàn năng lượng, tài nguyên và nguyên vật liệu hàng đầu thế giới". Mục đích sáp nhập nhằm tiết kiệm chi phí ít nhất 60 tỷ yên (645 triệu USD) mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ sáp nhập vẫn chưa được quyết định.
Hai công ty sẽ sáp nhập các hoạt động chồng chéo như lọc dầu và các trạm khí để tăng lợi nhuận, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh khác như khoáng sản và các sản phẩm hóa học. Kế hoạch sáp nhập này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản, người cho rằng việc sáp nhập sẽ làm lợi cho đất nước Nhật Bản nghèo tài nguyên.