Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lạm phát có thể đẩy nguồn cung dầu vào vùng nguy hiểm

Mối quan tâm về nguồn cung dầu thô bắt đầu xuất hiện vào khoảng thời gian một số nhà quan sát chính sách của ngân hàng trung ương bắt đầu cảnh báo không nên xem nhẹ xu hướng lạm phát như một điều nhất thời. Kể từ đó, tình hình nguồn cung dầu và lạm phát đều xấu đi nhanh chóng.

Những dự báo dầu thô Brent sẽ đạt và vượt mức 100 USD trong năm nay bây giờ nghe có vẻ hợp lý hơn rất nhiều so với hồi tháng 11. Vấn đề nguồn cung đang là tâm điểm chú ý khi hầu hết các thành viên OPEC+ dường như đang gặp khó khăn để đạt hạn ngạch sản xuất được phân bổ. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị sau cuộc tấn công của Houthi vào UAE và tình hình xung quanh Nga và Ukraine về cơ bản đã gây thêm áp lực tăng giá.

Trong khi đó, Hoa Kỳ ghi nhận tỷ lệ lạm phát 7% trong tháng 12, mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Còn tại Anh, lạm phát đạt mức cao nhất trong 30 năm ở mức 5,4%. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, giá tiêu dùng đã tăng kỷ lục 5% trong cùng tháng 12.

Frederik Ducrozet, chiến lược gia tại Pictet Wealth Management, nói với Reuters vào tuần trước: “nếu chúng ta không điều chỉnh giá năng lượng thì sẽ làm tăng thêm lạm phát. Lần này hơi khác một chút vì chúng ta đã ở vào thời điểm rủi ro tăng lên và các ngân hàng trung ương đang lo lắng về vòng xoáy giá tiền lương vì giá năng lượng góp phần vào tác động vòng thứ hai."

Đợt tăng của giá dầu thực sự không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn đối với các ngân hàng trung ương, những ngân hàng đang chuẩn bị bắt đầu nới lỏng các biện pháp kích thích mà họ đã ban bố hào phóng trong thời gian tồi tệ nhất của đại dịch nhằm giữ cho nền kinh tế của mình tiếp tục vận hành. Gói kích thích đó sớm muộn gì cũng phải kết thúc, nhưng hiện nay, với tình trạng lạm phát đang ở mức cao, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, người ta lo sợ rằng động thái cắt giảm này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ và đó sẽ là một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Mối liên hệ giữa giá dầu thô và giá các mặt hàng khác đã trở nên mật thiết kể từ thuở ban sơ của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Bất cứ khi nào giá dầu - và khí đốt, như chúng ta gần đây đã có cơ hội chứng kiến ở châu Âu và những nơi khác - tăng vì bất cứ lý do gì, thì giá của mọi thứ khác cũng tăng theo. Và nếu có thêm các động lực thúc đẩy giá tiêu dùng cao hơn, bức tranh sẽ trở nên khá ảm đạm và việc kiềm chế lạm phát trở nên khó khăn hơn một chút.

Theo nghĩa này, vấn đề với công suất dự phòng của OPEC và sự chật vật của Nga để thúc đẩy sản xuất lên mức như theo thỏa thuận OPEC+ là một nhân tố nữa khiến lạm phát trở nên rất dữ dội. Và đó là lạm phát ở các nền kinh tế phát triển, ít sử dụng năng lượng hơn. Điều bất ngờ là, chính những nền kinh tế này đã lập ngân sách cho dầu ở mức thấp hơn nhiều.

Theo phân tích của Reuters, ngân hàng Trung ương châu Âu đã giả định giá dầu thô Brent trung bình là 77,5 USD/thùng trong năm nay, giảm xuống 69,4 USD vào năm 2024 nhờ vào sự gia tăng công suất năng lượng tái tạo và việc lựa chọn xe điện đại trà sẽ triệt tiêu nhu cầu hàng triệu thùng dầu. Đây là một minh họa tốt về mức độ bấp bênh của dự báo tương lai, ngay cả là tương lai gần, đặc biệt là nếu đưa ra các dự báo của mình dựa trên kết quả mong muốn thay vì thực tế.

Kể từ đầu năm 2022, bất chấp sự gia tăng lây nhiễm Covid, giá dầu thô đã tăng 10%, củng cố kỳ vọng của OPEC rằng ảnh hưởng của virus Omicron đối với nhu cầu dầu mỏ sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và do đó, không đáng kể. Và giá có thể đi xa hơn nữa ngay cả khi các điểm nóng địa chính trị hạ nhiệt, tất cả là do vấn đề công suất dự phòng của OPEC.

Tổ chức này đã không đạt được mục tiêu sản xuất của mình trong nhiều tháng bất chấp giá cao hơn, điều này thường thúc đẩy các nước hành động để bơm nhiều dầu hơn. Nhưng ngay cả khi giá cao hơn cũng không thể thúc đẩy các thành viên OPEC thực hiện hạn ngạch của mình, thì phải có một số vấn đề lớn hơn: đó là suy giảm công suất dự phòng.

Công suất sản xuất dầu dự phòng trên thế giới càng ít đi, thì rủi ro về an ninh nguồn cung càng lớn do tăng trưởng nhu cầu không có dấu hiệu giảm xuống cho đến thời điểm hiện tại. Ngược lại, điều này có nghĩa là áp lực lạm phát tiếp tục từ phân khúc năng lượng, làm cản trở những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc điều chỉnh giá tiêu dùng.

Đã có nhiều kế hoạch để bắt đầu nâng lãi suất ngay cả trước khi có đợt tăng giá dầu gần đây nhất. Tiền giá rẻ phải đến lúc kết thúc. Nhưng khi Fed và các ngân hàng trung ương khác bắt đầu tăng lãi suất vào lúc này, một tác động không mong muốn có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn thông qua việc cộng thêm chi phí đi vay cao hơn làm tăng giá năng lượng và tiêu dùng.

Và đó có thể chỉ là sự khởi đầu, vì ngoài công suất sản xuất dự phòng thấp hơn, còn có một vấn đề khác đối với nguồn cung dầu trong tương lai: thiếu sự đầu tư do xu hướng Môi trường- Xã hội-Quản trị (ESG) không khuyến khích chi tiêu nhiều hơn vào các hoạt động thăm dò mới. Với việc các công ty dầu lớn như BP, Shell và Total rời khỏi lĩnh vực kinh doanh chính của mình để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư ESG, sản lượng dầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ giảm. Và nếu nhu cầu lại gây bất ngờ cho các nhà dự báo do không giảm nhiều như mong đợi, thì chúng ta sẽ nhìn thấy giá ở mức cao trong một thời gian dài.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM