Ngày 20/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu.
Ảnh minh họa
Theo đó, thuế môi trường đối với xăng sẽ tăng kịch khung, từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít. Dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít. Các mặt hàng khác như dầu nhớn, mỡ, mazut, cũng tăng từ 900 đồng lên 2.000 đồng.
Thế là xã hội lại sắp phải đối mặt với một cơn bão tăng giá mới. Xăng dầu tăng, nghĩa là ngay lập tức giá các mặt hàng sẽ tăng, túi của người dân lại vơi thêm một ít. Việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu lần này, theo tính toan của Bộ Tài chính, sẽ thu thêm được khoảng 15.700 tỷ đồng. Thế nhưng, thuế BVMT đối với xăng dầu lâu nay thu được, đã được dùng để làm gì, đầu tư những gì, đầu tư bao nhiêu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc sử dụng xăng dầu gây ra, thì không một ai được biết. Tất cả đều nằm trong vòng bí mật.
Ngay lập tức, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu lần này, đã bị các chuyên gia kinh tế bóc mẽ. Đó là: Lạm phát và thâm hụt ngân sách chính là hai yếu tố chính khiến thuế BVMT đối với xăng dầu tăng đến mức kịch khung, đặc biệt là khi dư địa cho chính sách tài khóa đang rất eo hẹp, khi nợ công tiến gần tới mức tối đa cho phép, trong khi ngân sách Nhà nước vẫn đang thâm hụt.
Thế nghĩa là lần này, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu, hoàn toàn không vì môi trường, số tiền thu được sẽ không được đầu tư vào việc BVMT, mà để dùng để giải quyết những vấn đề như đã nói ở trên. Kiểu thu thuế, chi tiêu như vậy, được người đời gọi là kiểu “giật gấu vá vai”. Xé miếng vải ở gấu áo để vá vào miếng rách ở vai cũng chiếc áo đó, kết quả là cái áo rách vẫn hoàn rách.
Lạm phát và thiếu hụt ngân sách là căn bệnh hiểm nghèo, kinh niên ở xã hội ta. Nhưng năm nay, bệnh có vẻ trầm kha hơn... Chỉ số lạm phát năm nay ước sẽ lên đến 4% vào cuối năm, một con số khá cao.
Để giảm bội chi, thì con đường duy nhất đúng là giảm chi tiêu, tinh giảm biên chế, rà soát, xiết chặt việc mua sắm công... Nhưng những biện pháp đó áp dụng chưa mang lại kết quả như mong muốn, hoặc chỉ áp dụng nhỏ giọt, nửa vời.
Tăng thuế, thì gánh năng thuế phí đổ lên đầu dân. Hiện tại mức thuế phí mà người dân Việt Nam phải gánh đã ở con số 32% GDP, trong khi Ngân hàng thế giới (WB) đã cảnh báo, chỉ vượt quá mức 18% GDP đã là nguy hiểm...
Nguồn tin: nongnghiep.vn