Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lại đề xuất lập sàn đấu giá xăng dầu để minh bạch cơ chế giá

Nhiều ý kiến đề xuất đã được đưa ra tại Hội thảo Cơ chế chính sách đối với kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa tổ chức nhằm nâng cao tính minh bạch công khai của cơ chế giá xăng dầu, trong đó đáng chú ý là đề xuất lập sàn đấu giá xăng dầu một lần nữa lại tiếp tục được đưa ra.

Đánh giá về những bất cập của thị trường phân phối cũng như cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc thị trường bị Nhà nước can thiệp quá sâu dẫn tới nhiều hệ lụy.

“Nhà nước thường xuyên điều chỉnh chính sách cho phù hợp, chỉ bình quân 3,5 năm cho một quyết định. Tính từ 2003 đến 2014 đã có tới 4 quyết định, nghị định điều hành xăng dầu.

Việc Nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường về giá cả, không theo kịp diễn biến thị trường thế giới, hiệu lực và hiệu quả của giá cơ sở và Quỹ bình ổn giá cần được xem xét một cách cầu thị từ thực tế”, ông Doanh dẫn giải.

Cụ thể, theo phân tích của ông Doanh, chỉ tính riêng về yếu tố giá, việc có quá nhiều can thiệp của Nhà nước dẫn tới thị trường xăng dầu thiếu tính cạnh tranh, các công ty xăng dầu chỉ có một giá thống nhất là không phù hợp với cơ chế thị trường.

“Nghị định 83 /2014/NĐ-CP là thấy rõ sự can thiệp này. Theo điều 3 Nghị định 83, giá xăng dầu thế giới là giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế do Liên Bộ Công Thương - Tài chính xác định và công bố; Giá bán lẻ xăng dầu là giá bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, còn giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước tính”.

Làm thế nào để biết được tính chính xác và theo giá thế giới của giá do “Liên bộ Công Thương-Bộ Tài Chính xác định và công bố”?Cơ chế giám sát, công khai, minh bạch thế nào giữa giá dầu Brent Biển Bắc và giá dầu ngọt Trung Đông? “Giá cơ sở” được công bố đã theo kịp biến động thị tịường thế giới, thời hạn 15 ngày có còn phù hợp không? Quản lý Quỹ bình ổn có nên đại diện người tiêu dùng tham gia không? ông Doanh đặt hàng loạt câu hỏi về cơ chế xăng dầu hiện nay.

Theo đề xuất của các chuyên gia, nên cho phép giá xăng dầu cạnh tranh trong một biên độ nhất định, để tránh tình trạng tất cả các Tổng Công ty, Tổng đại lý, các cửa hàng đều có giá bán như nhau, chưa thúc đẩy cạnh tranh. Một số ý kiến cho rằng có thể hướng tới “lập sàn đấu giá xăng dầu” để đảm bảo tính công khai, minh bạch và theo sát diễn biến thế giới của giá xăng dầu.

Liên quan đến điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, hiện có nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại những quy định chi tiết về kho, cầu, cho phép thuê lại kho, cầu cảng v.v có thể linh hoạt hơn để phù hợp với thực tế.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh thẳng thắn cho rằng cần giảm bớt cơ chế xin-cho, mở rộng công khai minh bạch, tạo điều kiện và đòi hỏi các Hiệp hội tham gia quản lý, giám sát, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp 

Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoang.vn

ĐỌC THÊM