Giá dầu 60/thùng là mức mà nhiều nước sản xuất dầu mong muốn, nhưng thực tế giá dầu vẫn có thể giảm về 40 USD/thùng, một nhà phân tích nhận định.
Giá dầu giảm trở lại, tạo ra cả người thắng và người thua. Các nước xuất khẩu dầu do Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) và Nga dẫn đầu mất thu nhập và sự giàu có.
Đà giảm giá của dầu trong vài tuần qua cũng không có gì bất ngờ. Những dự báo về tăng trưởng nhu cầu suy giảm và vẫn còn đó những lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhiều người lo sợ kinh tế thế giới đang tiến gần đến bờ vực suy thoái. Mới gần đây, kỳ vọng rằng xuất khẩu của Iran sẽ bị cắt đứt hoàn toàn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã không diễn ra khi Trung Quốc tiếp tục mua dầu từ quốc gia Trung Đông này.
Nguồn cung dầu vẫn dư dả và do đó giá dầu đã giảm trở lại mức (khoảng 60 USD/thùng đối với dầu Brent, và chỉ hơn 50 USD/thùng đối với dầu WTI), vốn đã trở thành mức bình thường mới kể từ năm 2016. Giá dầu rất dễ bị tác động bởi yếu tố đầu cơ, nhưng những người đặt cược giá dầu sẽ trở lại mức giá 80 hoặc 100 USD/thùng cứ thua lỗ.
Cơ chế cartel không còn hiệu quả. Ngay cả khi có cam kết giới hạn sản xuất, OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài như Nga và Mexico dường như cũng đã mất đi khả năng thúc đẩy giá dầu đi lên.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, OPEC cho biết triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới phần nào ảm đạm trong phần còn lại của năm 2019, cơ quan này sẽ theo dõi chặt tình hình cán cân cung cầu và hỗ trợ bình ổn thị trường trong thời gian tới.
Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, sản lượng dầu kết hợp của Iran và Venezuela đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2019.
Giới phân tích đặt ra câu hỏi rằng, giá dầu đang giảm nhưng liệu việc tiếp tục cắt giảm sản lượng có thể giúp giá dầu duy trì mức 60 USD/thùng? Liệu một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về dầu mỏ? Thật khó để thấy giá dầu đạt 60 USD/thùng và thậm chí khó hơn cho cùng mức vào năm tới, các nhà phân tích nhận định.
Triển vọng của thị trường dầu trong tương lai chắc chắn không có vẻ khả quan. Nguồn ảnh: industrywestmagazine.com
Việc cắt giảm sản lượng do khối OPEC + thực thi hai năm trước vẫn còn hiệu lực và tỷ lệ tuân thủ là trên 150%. Tuy nhiên, điều này đã không thể trở thành bệ đỡ vững chắc cho giá dầu, vốn đang lơ lửng trong khoảng 56 - 57 USD/thùng, bất chấp thực tế là OPEC đã cam kết duy trì thỏa thuận cắt giảm cho đến cuối quý đầu tiên của năm tới. Bây giờ, có vẻ như OPEC đang tìm cách cắt giảm sản lượng hoặc giảm tự nguyện thêm nữa với hy vọng đưa giá dầu lên tối thiểu 60 USD/thùng, vốn là mức tất cả các nước xuất khẩu dầu đều hài lòng. Bây giờ đó là mức giá mong muốn của họ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc cắt giảm thêm có thể không giúp ích gì khi xem xét sự gia tăng liên tục trong sản xuất dầu đá phiến của Mỹ và nguồn cung dầu từ các nước ngoài OPEC, Kamel Al-Harami, một chuyên gia phân tích dầu độc lập viết trên trang Arabtimes. Ngoài ra, thị trường dầu vẫn trong tình trạng dư cung, và dầu ở Iran và Venezuela thì không được sản xuất hoặc không được xuất khẩu ra thế giới. Công suất tiềm năng này có thể ngăn cản việc giá dầu đi lên. Một khi dầu từ Iran hay Venezuela quay trở lại thị trường, thị trường sẽ thêm phần dư thừa hiện tại sẽ đẩy giá dầu xuống mức 40 USD/thùng.
Triển vọng của thị trường dầu trong tương lai chắc chắn không khả quan. Ông Kamel Al-Harami đặt câu hỏi rằng, liệu đó phải là hồi kết cho kỷ nguyên giá dầu 60USD/thùng?
Nguồn tin: nhipcaudautu.vn