Năm 2008 lập kỷ lục với 11 lần điều chỉnh giá xăng dầu, hơn gấp đôi năm 2007, gấp 3 năm 2006 và gấp 4 lần năm 2005. 4 năm qua, giá xăng dầu đã điều chỉnh 23 lần, số lần ấy hơn cả thế kỷ trước.
Câu chuyện điều chỉnh giá xăng, nhất là điều chỉnh giảm giờ đây không còn là thời sự nóng hổi nữa, bởi cái gì lặp đi lặp lại mãi, hay mấy cũng thành chán, chưa kể lại còn nhỏ từng giọt, từng giọt. Nhưng cũng phải thừa nhận những chuyện về "tiền" giảm giá và "hậu" giảm giá giờ đây được người ta trăn trở nhiều hơn.
"Tiền" giảm giá
Tháng 7/2008, khi giá dầu thế giới lên tới gần 150 USD mỗi thùng thì giá xăng trong nước được chỉnh lên 19.000 đồng một lít. Ở thành phố, đất chật, người đông, đường tắc. Phương tiện giao thông công cộng chỉ có xe bus, mà xe bus thì vừa quá tải vừa lòng vòng. Mười chín chứ hai mấy nghìn một lít xăng thì xe máy vẫn là... lựa chọn thông minh. Vì vậy người tiêu dùng không có cách nào khác là "đồng cảm" với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thôi đành "nước lên lẽ nào thuyền chẳng lên".
Ấy vậy nhưng nếu nước xuống quá mà thuyền không xuống thì rõ ràng là có chuyện.
Lần điều chỉnh thứ 11 xăng xuống 11.000 đồng/lít giảm 8.000 đồng so với đỉnh cao tháng 7 nhưng giá dầu thế giới thì giảm hơn rất nhiều, chỉ còn hơn 40 USD so với giá tháng 7 là gần 150 USD. Các nhà kinh tế tính toán rằng, giá dầu thế giới đã giảm 72%, nhưng giá xăng trong nước chỉ giảm khoảng 42%. Tốc độ giảm giá xăng trong nước chỉ bằng trên một nửa tốc độ giảm giá dầu thô thế giới. Cũng theo tính toán này, bỏ qua các chi phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại chi phí khác... cộng tất vào thì cao nhất giá xăng bình quân trong gần một tháng qua cũng chỉ vào khoảng 9.000 đồng/lít. Như vậy doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ lãi từ 2.000 - 3.000 đồng/lít. Với bình quân mỗi ngày lượng xăng cả nước tiêu thụ khoảng 13 triệu lít, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thu số lãi khổng lồ khoảng 39 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được tự chủ về giá bán, cơ chế gọi là thị trường với xăng dầu được áp dụng khiến cho giá bán lên xuống rất linh hoạt nhưng lại nhỏ giọt khiến cho chẳng mấy ai còn quá sốt ruột. Và mới đây nhất, ngày 23/12/2008, giá dầu lại tiếp tục nhỏ giọt với... điệp khúc 1.000 đồng. Giờ đây, cái khúc đầu của xăng dầu, "tiền" giảm giá mà người tiêu dùng thắc mắc đó là cái "giọt" giảm giá ấy bao giờ lớn một chút, có kế hoạch dài hạn một chút và hình như tại sao chưa thấy Tổ Giám sát và Điều hành giá xăng dầu của liên bộ Tài chính - Công Thương chủ động yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm giá khi giá nhập khẩu xuống bao giờ?
Diễn biến 12 lần đi xuống của giá xăng dầu trong nước
(lần giảm giá cuối cùng vào ngày 24/12 chỉ giảm 1.000 đồng giá dầu diezen không giảm giá xăng)
Hậu giảm giá
Xăng dầu xuống giá nhưng các dịch vụ không có xăng không tồn tại lại án binh bất động với đủ lý do. Ở Hà Nội, Sở Giao thông Công chính phải ra tối hậu thư giảm giá nhưng cánh taxi kêu do không chỉnh kịp đồng hồ. Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá thì nói, xăng dầu xuống nhỏ giọt, không đáng kể. Cho dù chỉ là nhỏ giọt nhưng chỉ với vài giọt ấy, mỗi ngày chậm giảm giá các hãng taxi thu hàng tỷ đồng từ túi người đi xe. Lời như vậy nên cái sự chậm lại càng chậm là tất yếu và người tiêu dùng cũng chẳng có lựa chọn. Cánh xe ôm cũng chẳng có lộ trình giảm giá chút nào. Đấy là những doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến xăng dầu chứ những mặt hàng... liên quan gián tiếp thì... đừng mơ. Giá xăng tăng hôm trước, giá lương thực, thực phẩm hôm sau có thể tăng ngay lập tức nhưng khi giảm giá thì chẳng có mặt hàng nào chịu giảm cả.
Và những "thượng đế" ở giữa
Nói xa nói gần, tất cả chúng ta đều nằm trong đoạn giữa - cái đoạn tiêu thụ và trả tiền của điều chỉnh giá xăng dầu. Mỗi ngày chậm xuống giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể dày túi thêm 39 tỷ đồng. Người tiêu dùng lại góp thêm vài tỷ cho taxi mỗi ngày taxi chậm xuống giá, mà nào chỉ taxi... Theo tính toán, khi giá dầu tăng 1 USD mỗi thùng sẽ làm kinh tế toàn cầu chậm tăng trưởng đi 0,1%. Hiện nay, 60% thị phần xăng dầu trong nước đang nằm trong tay doanh nghiệp nhà nước đầu ngành về xăng dầu. Chính vì vậy không ít thắc mắc, tại sao Nhà nước không kích cầu nền kinh tế bằng một cơ chế giảm giá xăng linh hoạt hơn.
Hi vọng năm tới việc điều chỉnh sẽ được tiến hành có kế hoạch và dài hạn hơn."Thượng đế" vẫn nằm ở giữa cái gọi là "tiền" và "hậu" của điều chỉnh giá xăng dầu. Khi nào Tổ Giám sát và Điều hành giá xăng dầu vẫn chỉ chờ phương án điều chỉnh giá của doanh nghiệp đề xuất rồi phê duyệt thì "thượng đế" vẫn mắc kẹt.
"Thượng đế" vẫn đang nằm ở giữa cái gọi là "tiền" và "hậu" của điều chỉnh giá xăng dầu. Khi nào Tổ Giám sát và Điều hành giá xăng dầu vẫn chỉ chờ phương án điều chỉnh giá của doanh nghiệp đề xuất rồi phê duyệt thì "thượng đế" vẫn mắc kẹt.
(Việt Stock)