Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

KỊP THỜI BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU, ĐẢM BẢO ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Trước tình trạng khan hiếm xăng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và đời sống người dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao các cơ quan của Quốc hội tăng cường theo dõi, giám sát việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Nhiều giải pháp đang được các chuyên gia, cơ quan quản lý cân nhắc, nghiên cứu để bình ổn giá xăng dầu.

Cần kịp thời đưa ra những giải pháp bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của người dân

Báo cáo về công tác dân nguyện tháng 01 năm 2022 tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, nhiều cử tri bức xúc với tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Giá xăng tăng cũng kéo theo sức ép lớn trong việc kiểm soát lạm phát, đồng thời, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, chi phí sản xuất tăng và giá thành sản phẩm cũng tăng. Ngoài ra, việc giá xăng liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng vừa được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng. Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan kịp thời có những giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu, bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

Về vấn đề này, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có văn bản giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện: Theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội (Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV). Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao các cơ quan của Quốc hội theo dõi, giám sát việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước

Bàn về vấn đề bình ổn giá xăng dầu, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Một số ý kiến cho rằng cần chủ động giảm các loại thuế, phí để kìm hãm đà tăng của xăng. Theo đó, tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng dầu đang khoảng 40 - 43% là quá cao nên cần giảm tỷ lệ này xuống. Song song với việc điều chỉnh yếu tố đầu vào là chính sách liên quan đến thuế phí, các chuyên gia cũng cho rằng cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, không để tình trạng cắt khúc thị trường, tư nhân bán lẻ thao túng, găm hàng, trục lợi. Cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công Thương và chính quyền các địa phương cần phải chỉ đạo sát, xử lý thật nghiêm mọi trường hợp vi phạm về quản lý, lưu thông cũng như bán lẻ xăng dầu. Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng không nên phụ thuộc vào ngân sách và các biện pháp giảm thuế, mà các doanh nghiệp phải nỗ lực tái cấu trúc, sắp xếp lại hoạt động sản xuất để có được chi phí thấp nhất.

Trước những diễn biến khó lường của giá mặt hàng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu…

Cũng theo công điện, Thanh tra Chính phủ cần bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn. Đồng thời thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định...

Nguồn tin: Quốc hội

ĐỌC THÊM