Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA Fatih Birol mới đây đã đưa ra cảnh báo về việc giá dầu hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay và vẫn đang có xu hướng tăng lên sẽ gây ra những tác động nguy hiểm như thế nào đến nền kinh tế.
Trả lời phóng vấn của phóng viên tờ Thời báo tài chính (the Financial Times), ông Birol cho biết, kinh tế thế giới sẽ không thể chịu đựng được thêm bất cứ sự gia tăng nào của giá dầu và rằng mức giá dầu vượt qua ngưỡng 70 đôla Mỹ/thùng có thể tác động xấu tới sự phục hồi của nền kinh tế. Ông nói: “Nếu chúng ta tiến thêm một bước nữa, chúng ta sẽ phải chứng kiến giá dầu tăng lên một cách quá nhanh, và chúng ta sẽ được chứng kiến sự phục hồi chậm chạp hơn, yếu ớt hơn của kinh tế toàn cầu.”
Giá dầu trên thị trường Châu Âu hôm thứ hai 03/08 đã lên tới 73,75 đôla Mỹ/thùng nhờ các thông tin tích cực từ lĩnh vực sản xuất của thị trường Trung Quốc và lĩnh vực xây dựng tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, những lo ngại ngày một gia tăng trong thời gian qua về tác động củ lạm phát hay giá năng lượng tăng cao có thể tác động không nhỏ tới những biện pháp tiền tệ mà chính phủ các nước Tây Âu đang thực hiện để kéo nền kinh tế các nước này thoát khỏi vũng bùn suy thoái.
Theo ông Birol, những nỗ lực để kiềm chế tình trạng đầu cơ dầu mỏ “là một bước đi đúng đắn” nhưng chưa đủ để làm giá cả giảm xuống đáng kể.
Cũng theo ý kiến của ông, càng là những nước nghèo, ví dụ như những nước ở khu vực Châu Phi, lại càng dễ bị tổn thương khi giá cả năng lượng tăng lên. Ông nói: “Họ sẽ lại vướng vào vòng tròn vay nợ luẩn quẩn mà học đã vướng phải vài năm trước khi cố gắng chi trả cho các khoản nhập khẩu dầu mỏ của đất nước.”
Vấn đề chính ở đây, như ông Birol đã nêu ra, đó là sự suy giảm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, khai thác dầu mỏ. Ông nhấn mạnh: “Nếu tình trạng suy giảm đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn tiếp diễn thì chỉ trong vài năm tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nghiêm trọng.”
Ông Birol cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, nhu cầu của Trung Quốc có thể là một yếu tố có tầm ảnh hưởng quan trọng tới giá dầu mỏ thế giới. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo rằng nguồn cung dầu cũng như sự cân bằng nhu cầu dầu mỏ trên thế giới sẽ trở nên khó khăn hơn khi nền kinh tế của các nước khác cùng bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại vào năm 2011 hoặc năm 2012.
Francisco Blanch, nhà hoạch định chiến lược của ngân hàng Bank of America cho biết, thang biến động của giá cả dầu mỏ nằm trong ngưỡng từ 70 đôla Mỹ/thùng tới 80 đôla Mỹ/thùng, trong đó mức giá 80 đôla Mỹ/thùng là giới hạn cao nhất mà các nước phát triển có thể chịu đựng được. Nếu như giá dầu vượt lên khoảng 90 đôla Mỹ/thùng tới 100 đôla Mỹ/thùng thì ngay cả Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Blanch, việc giá cả hàng hóa và dầu mỏ đi xuống trong khoảng thời gian cuối năm ngoái có thể có tác động tích cực tới nền kinh tế toàn cầu hơn bất cứ nỗ lực kích thích kinh tế nào từ phía chính phủ. Ông nói: “Sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế có nguồn gốc căn bản là sản lượng dầu mỏ trên thị trường giao dịch thế giới phải tăng lên trong khi trên thực tế, vấn đề của chúng ta lại là chúng ta không có đủ dầu mỏ để cung cấp cho thị trường.”
FT