Những tranh luận về sự suy giảm của nền kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn, nhưng nội dung đã thay đổi. Vấn đề không còn là cuộc suy thoái này sâu sắc đến đâu và nó sẽ kéo dài bao lâu, mà thay vào đó, là cuộc suy thoái đã chấm dứt chưa và sự phục hồi sẽ nhanh như thế nào.
Những dấu hiệu phục hồi
Có nhiều dấu hiệu cho thấy giai đoạn suy giảm tồi tệ nhất của kinh tế toàn cầu đã qua. Các chỉ số kinh tế như sản xuất công nghiệp bắt đầu cải thiện ở nhiều nước, tốc độ suy giảm đang chậm lại, trong một số trường hợp thậm chí còn tăng trưởng.
Trong buổi điều trần trước Quốc hội tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke nhận định cơn bão suy thoái kinh tế Mỹ đã đi đến hồi kết. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho rằng khối doanh nghiệp trong nước đã nhận được những tín hiệu cho thấy "khó khăn trong nền kinh tế lớn nhất thế giới - chiếm 20% tổng sản lượng toàn cầu- đã lùi lại phía sau và sự phục hồi đang ở phía trước". Theo các số liệu vừa công bố, tốc độ suy giảm kinh tế của Mỹ đã giảm bớt đáng kể trong quý II khi chỉ giảm 0,3%, so với mức giảm tới 6,1% của quý trước đó. Các nhà đầu tư Mỹ dường như tự tin hơn với quá trình phục hồi của nền kinh tế và nhờ đó, thị trường chứng khoán được đẩy bật lên hơn 40% so với mức điểm hồi tháng 3.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm.
Tại châu Âu cũng xuất hiện những dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế dịu bớt. Riêng tại Anh, trái với dự đoán của các nhà kinh tế, trong quý II năm nay, GDP của Anh giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà kinh tế dự đoán tốc độ suy giảm tăng trưởng ở 16 nước sử dụng đồng euro trong quý II/2009 sẽ chậm lại, giảm 0,5% so với quý trước. Ðây là một sự cải thiện đáng kể so với mức giảm 2,5% trong quý I/2009. Tại Ðức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lòng tin của giới kinh doanh và tiêu dùng đã tăng trở lại sau khi những dấu hiệu phục hồi vững chắc hơn được ghi nhận, trong đó có xuất khẩu và đơn đặt hàng công nghiệp tăng mạnh. Cục Thống kê Ðức cho biết, GDP của nước này trong quý II - 2009 tăng 0,3%, trong khi trong quý I là -3,5%.
Châu Á được đánh giá là khu vực phục hồi mạnh mẽ nhất. Theo số liệu tăng trưởng quý II/2009 lần lượt được công bố trong những ngày qua, các quốc gia châu Á cho thấy đà hồi phục khá ngoạn mục. Theo tuần báo kinh tế Anh The Economist cuối tuần trước, so với quý I, GDP của Trung Quốc tăng 15%, Hàn Quốc lên gần 10%, Singapore nhảy vọt với mức 21%, còn Indonesia chậm hơn nhưng cũng đạt 5%. Ngay cả Nhật, với nền kinh tế đã chìm sâu vào suy thoái, ngày 17/8, cũng thông báo đạt mức tăng trưởng 0,9% trong quý II.
Thực sự “qua cơn hoạn nạn”?
Nhiều chuyên gia nhận định, tuy có những dấu hiệu phục hồi nhưng các nguy cơ đối với kinh tế thế giới vẫn còn rất lớn.
Nhà kinh tế Olivier Blanchard của IMF nhận định trong bài viết Duy trì sự phục hồi toàn cầu: “Cuộc khủng hoảng đã để lại nhiều vết sẹo sâu nên nền kinh tế thế giới khó có thể thoát suy thoái trong một sớm một chiều”.
Theo ông Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế của Trường kinh doanh Stern, ĐH New York (Mỹ), có hàng loạt lý do khiến cho các nền kinh tế phát triển có nguy cơ tăng trưởng “nhợt nhạt” trong vòng hai năm nữa.
Người dân giờ chỉ chi tiền cho những mặt hàng giảm giá.
Lý do thứ nhất đó là, nhu cầu của thế giới giảm khiến kinh tế toàn cầu hồi phục không chắc chắn. Cuộc khủng hoảng vừa qua đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân phương Tây. Thay vì dựa vào chiếc thẻ tín dụng, họ sẽ chỉ chi tiền cho những mặt hàng nhận được trợ giá của Chính phủ, rồi sau đó họ lại khép chặt hầu bao của mình.
Một lý do khác là ở hầu hết mọi quốc gia, chi phí giải quyết khủng hoảng đã tạo thêm gánh nặng tài chính, và xu hướng tăng thuế là không thể tránh khỏi”. Roubini kết luận: “Điều này có nghĩa chúng ta có thể không tìm lại được con đường tăng trưởng cũ và khả năng tăng trưởng sẽ thấp hơn mức trước khủng hoảng”.
Nguyên do cuối cùng nằm ở giá dầu, năng lượng, lương thực có nguy cơ sẽ tăng nhanh hơn dự báo của nhiều nhà kinh tế và sự gia tăng này có thể sẽ mạnh hơn nữa do nguồn tiền mặt dồi dào đổ vào, cũng như nhu cầu lớn từ giới đầu cơ. Năm ngoái, kinh tế thế giới đã chao đảo vì giá dầu đạt 145 USD một thùng, tạo ra làn sóng xung kích dội vào Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, tất cả các nước phải nhập khẩu dầu. Hiện nay, kinh tế thế giới vừa mới gượng dậy, nếu những thế lực đầu cơ này đẩy giá dầu lên 100 USD sẽ tạo ra một cú sốc chí mạng đẩy nó co lại.
Dù có xảy ra bất kỳ sự bất lợi không lường trước nào, nền kinh tế thế giới dường như đang ở thời điểm bắt đầu hồi sinh trở lại. Một số thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế cho rằng, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2010, nhưng một số khác lại cho rằng thời điểm này sẽ sớm hơn, ngay từ cuối năm 2009. Nhưng sự khác nhau về quan điểm thời gian phục hồi của nền kinh tế thế giới không phải là vấn đề đáng nói. Vấn đề là thế giới đã bắt đầu đi đến nhất trí rằng, kinh tế thế giới đang được sửa đổi và đã hoặc đang chuẩn bị phát đi những dấu hiệu của sự phục hồi.
baodatviet