Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh doanh xăng đang lỗ nặng

“Khoảng 25 ngày trở lại đây, trung bình một ngày chúng tôi lỗ 20-30 triệu đồng” - đại diện một công ty bán lẻ xăng dầu cho biết. 


Do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới, hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Lỗ nhưng không thể đóng cửa

Sau tám kỳ giảm giá liên tiếp, ba kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 13-5, 28-5 và ngày 12-6), giá xăng dầu trong nước đã tăng tổng cộng trên dưới 2.500 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng sinh học E5 đã tăng lên mức 13.390 đồng và xăng A95 tăng lên 14.080 đồng/lít. Tuy nhiên, nhiều công ty bán lẻ xăng dầu cho biết từ gần một tháng trở lại đây việc kinh doanh xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn, lỗ liên tục.

Ông Ngô Thành Nhân, tổng đại lý xăng dầu ở Bình Chánh, TP.HCM, nói các đại lý bán xăng vẫn có đủ nguồn hàng nhưng càng bán lại càng lỗ, bán càng nhiều càng lỗ đậm. Lý do là hiện công ty đầu mối chỉ chiết khấu cho người bán 100 đồng/lít. Tuy nhiên, khi xăng từ đầu mối nhập về đến cửa hàng chi phí vận chuyển hết 150 đồng/lít, chi phí nhân công 200 đồng/lít, chi phí quản lý bán hàng 200 đồng/lít… Chính vì vậy trung bình 1 lít xăng khi xuất ra khỏi trụ bơm người bán lỗ 450-500 đồng.

“Xăng là mặt hàng thiết yếu, phải đảm bảo cung ứng cho người dân không để bị gián đoạn nên chúng tôi chấp nhận lỗ. Nếu lỗ quá nhiều, cửa hàng muốn nghỉ bán thì theo quy định phải làm văn bản gửi cơ quan chức năng và phải được đồng ý. Nếu cửa hàng cho nhân viên nghỉ để giảm áp lực chi phí thì sau này khi tuyển lại rất khó khăn. Do đó, cửa hàng bán xăng đang gồng mình chịu lỗ” - ông Nhân than thở.

Đại diện một công ty bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội cũng cho hay công ty có 15 cây xăng. Khoảng 25 ngày trở lại đây, trung bình mỗi ngày lỗ 20-30 triệu đồng. “Chúng tôi không thể tăng giá vì giá bán lẻ bị khống chế theo quy định hiện hành nhưng cũng không thể đóng cửa dừng bán hàng vì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh” - đại diện công ty bán lẻ xăng dầu này cho biết.

Theo chia sẻ của DN này, nguyên nhân khiến kinh doanh bị lỗ liên tục là do mức chiết khấu quá thấp. “Chúng tôi chỉ là chuỗi bán lẻ, phải nhập xăng của các đầu mối phân phối lớn. Hiện giá nhập chỉ thấp hơn giá bán 100 đồng/lít. Tính ra cứ bán 1 lít xăng thì chúng tôi lỗ 700 đồng. Không chỉ các đơn vị bán lẻ như chúng tôi bị lỗ mà các ông lớn đầu mối cũng bị lỗ nên họ không thể tăng mức chiết khấu hoa hồng lên được” - vị đại diện DN này than thở.

Một DN kinh doanh xăng dầu khác ở Hải Phòng cũng cho hay hơn một tháng nay, mỗi ngày phải chịu lỗ khoảng 30 triệu đồng. Công ty này cho rằng theo quy định của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu thì mỗi đại lý xăng dầu bán lẻ chỉ được lấy của một đầu mối phân phối nên có nhiều bất cập, phi thị trường vì hình thành thế độc quyền. “Cần phải thiết lập một thị trường tự do, một đại lý xăng dầu có thể lấy hàng của nhiều đầu mối khác nhau để tạo ra tính thị trường” - DN này nhấn mạnh.


Nhiều đại lý xăng dầu cho hay họ đang gồng mình chịu lỗ. Trong ảnh: Khách hàng đang đổ xăng. Ảnh: TÚ UYÊN

Sắp trình Chính phủ xem xét sửa đổi

Một số chuyên gia dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ còn biến động thất thường, khó lường theo diễn biến dịch bệnh lẫn cung cầu thị trường. Vì vậy, chu kỳ điều hành giá xăng dầu của Nhà nước 15 ngày theo quy định tại Nghị định 83/2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, không phản ánh kịp và tiệm cận với giá xăng dầu thế giới.

Đồng quan điểm, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) mới đây cũng cho hay đã nhiều lần có ý kiến đề xuất sửa đổi, rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu nhằm ổn định thị trường.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn như hiện nay là vì ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới. Về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết trước đây theo Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu thì một chu kỳ điều hành giá là 30 ngày, nay theo Nghị định 83/2014 chu kỳ giảm còn 15 ngày. “Có ý kiến cho rằng có thể giảm kỳ điều hành xăng dầu xuống thật ngắn, thậm chí điều chỉnh hằng ngày nhưng thực hiện cực kỳ khó. Tôi nghĩ bây giờ nếu rút xuống 10 ngày hoặc một tuần rất tốt nhưng vấn đề là liệu cơ quan quản lý nhà nước có làm được hay không?” - ông Long đặt vấn đề.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cũng thừa nhận hiện tình hình chung DN kinh doanh xăng dầu đều rất khó khăn. Các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn từ đầu năm, bây giờ đến lượt các đại lý bán lẻ cũng gặp khó khăn.

“Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện tại, giá dầu thế giới liên tục đi xuống, cả thế giới khó khăn, không riêng gì Việt Nam. Riêng Tập đoàn Petrolimex quý vừa rồi lỗ đến 2.000 tỉ đồng; các đầu mối cũng lỗ nên họ muốn các tổng đại lý, DN phân phối bên dưới chia sẻ khó khăn chung” - ông Đông cho biết.

Ông Trần Duy Đông thông tin thêm, hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đã xong bản dự thảo cuối cùng và đã chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định. “Dự kiến trong tháng này, chúng tôi sẽ tiếp thu, giải trình thêm một số ý kiến, sau đó trình Chính phủ xem xét” - ông Đông thông tin.

Sửa đổi cơ chế điều hành, công thức tính giá

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho hay một số nội dung chính dự kiến sửa đổi trong Nghị định 83/2014 gồm: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; đối tượng quản lý; cơ chế điều hành giá xăng dầu; công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hạch toán tại DN kinh doanh xăng dầu, điều kiện phòng thử nghiệm trong quản lý chất lượng xăng dầu... để có hướng sửa đổi hợp lý.

Chào bán… cây xăng

Nhiều công ty, đại lý dự báo tình hình kinh doanh xăng dầu sẽ còn kéo dài qua ít nhất hai kỳ điều hành xăng dầu nữa mới dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó, hàng ngàn cây xăng trên cả nước không biết sẽ xoay xở thế nào.

“Tôi đã thấy một số cây xăng chào bán, dừng hoạt động, nhất là một số cây xăng ở khu vực miền núi, Tây Nguyên. Thời gian trước có một số cây xăng dừng bán do găm hàng nhưng hiện nay thì thực sự có một số cây xăng dừng bán vì quá khó khăn” - đại diện một công ty xăng dầu thở dài.

Nguồn tin: plo.vn

ĐỌC THÊM