Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kịch bản tăng đối với giá dầu vào năm 2022

Vào đầu năm 2022, số ca nhiễm cao kỷ lục do biến thể Omicron tại nhiều nền kinh tế lớn kết hợp với tình trạng dư cung dự kiến ​​trên thị trường dầu khiến những nhà đầu cơ giá xuống (bear) có lý do để ăn mừng.

Tuy nhiên, giá dầu đã tăng 5% trong tuần giao dịch đầu tiên của năm khi các nhà phân tích tập trung vào khả năng cung vượt cầu có thể không cao như dự đoán cách đây vài tháng, ngoài ra còn do lượng tồn kho vào cuối năm 2021 rất thấp. Thêm vào đó, sự gián đoạn nguồn cung ở Libya và Kazakhstan nhắc nhở giới đầu tư trên thị trường về sự biến động của phần lớn sản lượng dầu trên thế giới ở những khu vực nhạy cảm về địa chính trị.

Diễn biến về COVID sẽ tiếp tục là yếu tố khó lường nhất trên thị trường trong năm nay, nhưng nhu cầu dầu trung bình toàn cầu vào năm 2022 dự kiến ​​sẽ vượt mức trước đại dịch từ năm 2019, các nhà dự báo và phân tích cho biết.

Nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng hơn nữa từ năm 2021 đến năm 2022, trừ khi có lệnh phong tỏa hàng loạt mới ở nhiều nơi. Hầu hết các nhà phân tích đều dự đoán nguồn cung chắc chắn sẽ tăng đến mức vượt cầu. Không chỉ vì OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng cắt giảm sản lượng, mà các nhà sản xuất ngoài OPEC+, dẫn đầu là HoMỹ, cũng sẽ tăng nguồn cung, đặc biệt là khi dầu ở mức 80 đô la, có nghĩa là sản lượng dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC+.

Tuy nhiên, tình trạng thừa cung dầu sắp tới có thể thấp hơn nhiều so với dự kiến ​​và có thể gây áp lực giảm giá ít hơn nhiều trong năm nay, một số nhà phân tích, trong đó có chiến lược gia dầu mỏ Julian Lee của Bloomberg First Word, cho biết.

OPEC+ không đạt được chỉ tiêu sản xuất dầu trong nhiều tháng

Đầu tiên, OPEC+ không có khả năng khai thác đến tổng hạn mức của mình. Đầu tư suy giảm và thiếu công suất dự phòng tại nhiều nhà sản xuất trong hiệp ước, đặc biệt là các thành viên ở châu Phi, đã khiến mức tăng sản lượng dầu hàng tháng thấp hơn nhiều so với 400.000 thùng/ngày được cho phép tăng của OPEC+, trong đó 253.000 thùng/ngày được phân bổ cho mười thành viên OPEC nằm trong hiệp ước này.

Tháng trước là tháng thứ bảy liên tiếp OPEC+ không đạt được mức tăng sản lượng và là tháng thứ năm liên tiếp tổ chức này khai thác thấp hơn chỉ tiêu tới hơn 500.000 thùng/ngày, theo dữ liệu của Bloomberg và OPEC do Lee tổng hợp.

Theo ước tính của Bloomberg, OPEC+ đã khai thác thấp hơn 625.000 thùng/ngày so với tổng chỉ tiêu sản xuất vào tháng 12 năm 2021, tốt hơn một chút so với mức thiếu hụt 655.000 thùng/ngày so với chỉ tiêu đề ra vào tháng 11, theo ước tính của Bloomberg.

OPEC cũng không khả quan hơn, khi các thành viên châu Phi đang kéo sản lượng đi xuống. Theo cuộc khảo sát hàng tháng của Reuters, sản lượng dầu của OPEC chỉ tăng 70.000 thùng/ngày trong tháng 12 so với tháng 11 do tổ chức này liên tục không thể tăng sản lượng thêm 253.000 thùng/tháng theo thỏa thuận OPEC+.

Hơn nữa, mặc dù OPEC+ vẫn dự báo dư cung trên thị trường trong năm nay, nhưng đó có thể là một mức thừa cung nhỏ hơn so với đánh giá của tháng trước. OPEC+ tiếp tục coi tác động của Omicron đối với nhu cầu là “nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn”, như OPEC đã nói trong Báo cáo Thị trường Dầu Hàng tháng (MOMR) vào giữa tháng 12.

Công suất dự phòng đang thu hẹp

Tuy nhiên, tất cả các mô hình dư cung đều dựa trên giả định rằng OPEC+ sẽ thực sự đạt được mục tiêu sản xuất - điều mà OPEC+ đã không thực hiện được trong 7 tháng liên tiếp.

OPEC+ đã không đạt được chỉ tiêu sản xuất chung trong nhiều tháng và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong những tháng tới. Các thành viên OPEC ở châu Phi thiếu năng lực và các khoản đầu tư để thúc đẩy sản xuất, trong khi Nga ước tính sẽ khai thác và xuất khẩu khối lượng thấp hơn hạn ngạch của mình. Sản lượng thấp hơn thậm chí có thể trở thành một xu hướng tăng giá cho dầu vào năm 2022, đặc biệt là nếu sự ảnh hưởng của Omicron đối với nhu cầu dầu toàn cầu vẫn giới hạn ở nhiên liệu máy bay, như hầu hết các ước tính và phân tích gần đây nhất đã chỉ ra.

Các nhà sản xuất lớn nhất vùng Vịnh Ả Rập có cách thức để nâng cao sản lượng và hoàn thành hạn ngạch của họ, nhưng điều này, tất nhiên, là sẽ làm giảm công suất sản xuất dự phòng của những nước này, vốn chiếm phần lớn công suất dự phòng trên toàn cầu.

Như những tuần gần đây cho thấy, thị trường dầu vẫn cân bằng khi một cuộc xung đột ở Kazakhstan hoặc một cuộc phong tỏa ở Libya không biến thành thiếu hụt cung. Với công suất dự phòng thấp hơn, chủ yếu tập trung ở Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait, một sự gián đoạn nguồn cung đột ngột vào năm 2022 sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn.

“Lo ngại về nguồn cung sẽ không sớm biến mất đó là về công suất dự phòng của OPEC. Chỉ có một số thành viên có khả năng tăng sản lượng, trong khi những thành viên khác không đạt được mức sản lượng đã thỏa thuận do gián đoạn và thiếu đầu tư”, chiến lược gia ING Warren Patterson và Wenyu Yao cho biết hôm thứ Hai.

Chẳng hạn như, Goldman Sachs rất lạc quan về dầu cho năm 2022 trở đi do đầu tư vào lĩnh vực này thấp và thực tế là chỉ có hai nhà sản xuất dầu trên thế giới – là Ả Rập Saudi và UAE - hiện có năng lực và phương tiện để bơm thêm dầu so với tháng 1 năm 2020, ngay trước khi có đại dịch COVID. Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, nói với Bloomberg Television trong một cuộc phỏng vấn tuần trước.

“Nhìn chung, nhu cầu vẫn mạnh như được báo hiệu trong chênh lệch giá giao dịch kỳ hạn sáu tháng của hợp đồng Brent, đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 12, khi lo lắng về nhu cầu bị ảnh hưởng bởi omicron ở mức thấp”, Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết hôm thứ Hai.

Tăng trưởng nguồn cung thấp hơn dự kiến ​​có thể sớm xóa bỏ sự chắc chắn của tình trạng dư thừa dầu lớn, vì sự bất ổn và tính biến động sẽ tiếp tục là hai yếu tố chắc chắn duy nhất trên thị trường dầu trong năm nay.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM