Tác giả Salman Ghouri, chuyên gia cao cấp về đánh giá, dự báo thị trường dầu khí, phân tích kinh tế vĩ mô của Oilprice đã phân tích mối quan hệ giữa nhu cầu dầu mỏ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với trung tâm sản xuất dầu Trung Đông, đồng thời đưa ra 3 kịch bản để giá dầu quay trở lại trên 30 USD/thùng.
Châu Á là nơi tập trung 60% dân số toàn cầu và là khu vực tiêu thụ dầu, than và năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới; tiêu thụ khí thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới sau châu Âu và Bắc Mỹ. Khi nguồn cung nhiên liệu LNG, khí thiên nhiên dồi dào hơn, châu Á - Thái Bình Dương sẽ sớm trở thành trung tâm tiêu thụ khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới. Mặc dù sở hữu lượng tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, song châu Á - Thái Bình Dương chỉ nắm giữ 2,8% trữ lượng dầu toàn cầu và năng lực sản xuất chỉ đạt 7,63 triệu thùng/ngày, thấp hơn gần 5 lần nhu cầu tiêu thụ là 35,8 triệu thùng/ngày. Chính vì vậy, khu vực này cần nhập khẩu tới gần 30 triệu thùng/ngày - một khối lượng khổng lồ.
Năm 2018, châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận 78% nhu cầu dầu phải nhập khẩu, tương đương 28,17 triệu thùng/ngày. Trong đó, hơn 20,7 triệu thùng/ngày (chiếm 73%) xuất phát từ các nước Vùng Vịnh, đi qua eo biển Hormuz (nằm giữa Vịnh Ba Tư và Biển Ả Rập). Đây cũng là tuyến đường quan trọng đối với an ninh năng lượng toàn cầu và thương mại quốc tế.
3 kịch bản giúp giá dầu hồi phục
Trong số nhiều kịch bản khiến giá dầu hồi phục mà các nhà quan sát thị trường đưa ra, chuyên gia Salman Ghouri chọn ra 3 kịch bản có khả năng cao nhất, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của thị trường, yếu tố thảm họa tự nhiên và sự can thiệp của con người.
Kịch bản 1: Những nguyên tắc cơ bản của thị trường
Rõ ràng là nhu cầu dầu toàn cầu đang thấp hơn nhiều so với nguồn cung. Ngay cả khi thỏa thuận OPEC+ về cắt giảm 9,7 triệu thùng có hiệu lực thì cũng không đủ để thị trường lấy lại sự cân bằng. Khi sự dư thừa nguồn cung vẫn còn thì giá dầu chỉ có thể ở mức 20 USD/thùng hoặc thấp hơn. Để đưa thị trường trở lại cân bằng, sản xuất dầu phải được cắt giảm hơn nữa hoặc nhu cầu bắt đầu phục hồi. Nếu OPEC+ và các nhà sản xuất khác, bao gồm cả Mỹ cắt giảm sản lượng ở mức 20-25 triệu thùng/ngày trong một vài tháng thì giá dầu sẽ phục hồi. Điều này có lợi cho toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ. Việc cắt giảm quy mô lớn sẽ khiến giá dầu phục hồi nhanh chóng lên mức 30-50 USD/thùng.
Tuy nhiên, nếu các quốc gia ngoài OPEC+ vẫn ngần ngại tham gia cắt giảm sản lượng cùng OPEC+, đồng thời các nước thành viên OPEC+ giữ nguyên mức cắt giảm hiện có thì thị trường sẽ tiếp tục trải qua giai đoạn dư cung và giá dầu thấp sẽ duy trì cho đến khi tìm thấy trạng thái cân bằng mới, thời điểm mà nhu cầu quay trở lại và những tác động từ đại dịch Covid-19 giảm dần. Khi công suất lưu trữ dầu toàn cầu đạt giới hạn, nhiều nhà sản xuất sẽ phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản, nhất là các công ty đá phiến.
Kịch bản 2: Thảm họa tự nhiên
Kịch bản này xem xét khả năng Covid-19 tấn công trực tiếp vào chuỗi cung ứng, cụ thể là tại mắt xích sản xuất dầu hoặc tinh chế dầu khiến một phần sản xuất dầu hoặc tinh chế dầu phải ngừng hoạt động. Yếu tố này sẽ ngay lập tức kích thích giá dầu lên ngưỡng 30 USD/thùng và có thể đạt ngưỡng 40 USD/thùng nếu sự kiện này kéo dài. Tuy nhiên, giá dầu sau đó sẽ sớm quay đầu giảm do tình trạng mất cân bằng cung cầu vẫn đang diễn ra.
Kịch bản 3: Sự can thiệp của con người
Trở lại sự kiện các nhà máy lọc dầu của Saudi Aramco bị tấn công vào tháng 9/2019, một lượng dầu đáng kể bị gián đoạn. Những cuộc tấn công này dẫn đến sự biến động giá tương đối lớn trong ngày. Nhiều vụ tấn công, xung đột địa chính trị trong quá khứ cũng cho thấy sự tác động tích cực nhất định đến giá dầu trong ngắn hạn. Chẳng hạn, nếu Iran có những động thái leo thang tại Vùng Vịnh và đóng cửa eo biển Hormuz, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất dầu Vùng Vịnh thì tác động đến thị trường dầu mỏ là tương đối lớn. Trong một kịch bản cực đoan nhất, có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự giữa Iran và Mỹ, giá dầu sẽ tăng trở lại trên 30 USD/thùng và thậm chí có thể đạt 50 USD/thùng. Tuy nhiên, nước này khó có thể leo thang căng thẳng đến mức đóng cửa eo biển Hormuz vì sẽ gây thiệt hại lớn cho chính nền kinh tế của mình.
Cả ba kịch bản trên đều giúp giá dầu hồi phục khi thị trường nhanh chóng thích ứng với động lực cung cầu mới. Khung thời gian mỗi kịch bản tùy thuộc vào sự tác động đến tâm lý giới đầu tư. Kịch bản 2 và 3 sẽ diễn ra trong thời gian ngắn khi không giải quyết được vấn đề cơ bản của thị trường là dư thừa nguồn cung. Vì vậy nỗ lực phối hợp giữa tất cả các nhà sản xuất dầu mỏ lúc này dường như là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi giá dầu lên trên 30 USD/thùng và cao hơn nữa. Sự phối hợp như vậy cũng sẽ cứu ngành dầu mỏ khỏi nguy cơ sụp đổ.
Nguồn tin: petrotimes.vn