Một sự cắt giảm sản lượng quá sâu dễ khiến OPEC "tan đàn xẻ nghé", đồng thời cũng không tránh khỏi sự chỉ trích từ Mỹ.
Ảnh minh họa
Nhiều tháng trước, một số nhà đầu tư đã cho rằng giá dầu có thể đạt mức 100USD/thùng trong năm 2018 do những ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, gây ra sự thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu của thị trường rất mạnh mẽ nhưng năng suất dự trữ thấp.
Sau cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hồi tháng 6, các nhà điều hành đã quyết định tăng sản lượng để đảm bảo cho bất kỳ tình trạng thiếu nguồn cung nào. Tuy nhiên một sự thay đổi đã diễn ra, khi Washington ban hành lệnh miễn trừ cho 8 quốc gia đối với lệnh trừng phạt Tehran khi nó bắt đầu có hiệu lực vào hôm 5/11. Nhu cầu quốc tế vì thế dường như đã giảm đi, trong khi sản xuất ở Mỹ, Ả Rập Saudi và UAE đã có sự thống nhất để đạt một mức cao mới. Những yếu tố này kết hợp với nhau đã dẫn đến một sự rớt giá tự do, khi giá dầu Brent giảm lần thứ 3 kể từ đỉnh hồi tháng 10.
Chính vì vậy, cuộc họp OPEC hôm nay (6/12) được đánh giá là sự kiện diễn ra vào một thời điểm vô cùng quan trọng, khi có những dấu hiệu rõ ràng về sự suy giảm kinh tế toàn cầu và một nguồn cung dầu ào ạt từ Mỹ, dễ dẫn đến sự tồn đọng và tình trạng dư cung.
Tình hình hiện tại đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ, mà cụ thể là một sự cắt giảm nguồn cung để "cứu" mức giá có nguy cơ giảm sâu hơn trong năm 2019. Khi mà tất cả đang cùng mong đợi một sự cắt giảm sản lượng sẽ được công bố tại Vienna ngày hôm nay, thì câu hỏi quan trọng hơn là mức giảm đó sẽ là bao nhiêu hay liệu OPEC có chia sẻ mức cắt giảm đó giữa các nước thành viên và không phải thành viên (nhóm OPEC+) hay không?
Điều này hẳn đang là một thách thức lớn, khi Nga đã đồng ý về nguyên tắc cắt giảm sản lượng nhưng lại không cùng cảm nhận được sự cấp bách tương tự như Ả Rập. Điều này đơn giản là vì nền kinh tế của Nga đa dạng hơn và đồng Ruble ít phụ thuộc hơn. Do đó, theo IMF, một mức giá từ 50-60USD là tốt cho Moscow, trong khi Riyadh cần một giá dầu ở ngưỡng 85USD để cân đối ngân sách của mình.
Iraq cũng chịu áp lực kinh tế nghiêm trọng và không muốn cắt giảm sản xuất. Nếu vẫn buộc phải tuân thủ, nhiều nguy cơ nước này sẽ nối gót Qatar rút khỏi OPEC. Về cơ bản, có vẻ như Ả Rập Saudi sẽ gánh vác phần lớn trách nhiệm cùng với một sự cắt giảm mang tính tượng trưng từ Nga. Bên cạnh đó, nhóm OPEC + cũng nhận thức được rằng giá dầu tăng cao sẽ làm tăng thêm sự giận dữ từ Tổng thống Trump. Vì vậy, mức cắt giảm được dự đoán là từ 1-1,5 triệu thùng/ngày và tình hình sẽ được đánh giá lại vào năm 2019.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn