Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khủng hoảng Saudi Arabia cho thấy ngoại giao Mỹ thay đổi liên tục

Các đồng minh của Mỹ có thể cần phải đánh giá lại các chính sách khẩn cấp của mình trước sự thay đổi chính sách của Washington trong khu vực.

Phản ứng chậm chạp của Mỹ trước các vụ tấn công được cho là do Iran tiến hành nhằm vào các cơ sở dầu khí Aramco của Saudi Arabia đã chứng minh sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ: ngày càng bớt sẵn lòng đầu tư nguồn lực quân sự và kinh tế trong việc bảo vệ an ninh của các đồng minh.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters

Trong khi Tổng thống Donald Trump được cho là người thực hiện bước chuyển này với slogan “Nước Mỹ trước tiên” (America First), nhưng thực ra nó lại không bắt nguồn từ ông Trump mà từ thái độ của người tiền nhiệm Barack Obama với “những kẻ muốn đi xe mà không trả tiền”.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump chỉ là thể hiện rõ rệt hơn quan điểm muốn tránh xa khỏi các cuộc can dự tốn kém ở nước ngoài và rút bớt trách nhiệm với những người bạn muốn “đi lậu vé tàu”.

Thứ nhất, hẳn chưa ai quên những cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài tốn kém và kéo dài của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Điều đó khiến Mỹ cảm thấy khó khăn hơn khi thảo luận về bất cứ hành động quân sự tiềm tàng nào, ngoại trừ các cuộc tấn công máy bay không người lái nhằm vào các nhóm khủng bố trong khu vực, mà không đề cập tới khả năng các động thái leo thang sau đó sẽ kéo Mỹ vào một vũng lầy mới.

Các lựa chọn giữa chiến tranh thực sự có vẻ như đã “bay hơi” khỏi những cuộc đối thoại của Mỹ, bởi dư luận và các nhà hoạch định chính sách cũng ít tin vào khả năng nó sẽ bao gồm cả các chiến dịch quân sự.

Thứ hai, khi nói về các đồng minh, Tổng thống Trump không tập trung vào vấn đề trừu tượng của trật tự thế giới mà là câu hỏi ngắn gọn và cụ thể: “Trong đó có gì cho chúng ta?”. Vì lý do đó, Nhà Trắng thích bán vũ khí cho đồng minh đang bị đe dọa thay vì đồn trú binh lính trên lãnh thổ của họ. Bán các hệ thống vũ khí đắt đỏ cho các nước vừa khiến họ có khả năng tự bảo vệ chính mình trong khi sinh lợi cho nền kinh tế Mỹ và giúp ích cho triển vọng tái đắc cử (của ông Trump) trở nên khả thi hơn.

Thứ ba, ngày nay Mỹ dường như không còn lo tới sự bất ổn của thị trường dầu mỏ toàn cầu do những tác động từ sự bất ổn ở Trung Đông. Thực tế là rất nhiều trong số những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới - trong đó có cả Nga và Mỹ, vốn đã vượt qua Saudi Arabia về sản lượng – đều không ở Trung Đông chắc chắn đã làm giảm tầm quan trọng của khu vực này trên thị trường dầu mỏ.

Tất cả những yếu tố kể trên cho thấy, chẳng có gì ngạc nhiên khi phản ứng của Mỹ khá mờ nhạt sau vụ tấn công (được cho là do Iran tiến hành) nhằm vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia ở Abqiab và Khurais.

Bất chấp việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp dụng chiến lược “sức ép tối đa”, Iran sẽ không đầu hàng trước những đòi hỏi của Mỹ, thậm chí còn quyết liệt hơn trong việc chống lại những đòn bẩy mặc cả cũng như những sức ép từ Mỹ.

Ban đầu Tehran đã hành động rất thận trọng, nhưng sau đó đã trở nên “cứng rắn” hơn khi họ phát hiện Nhà Trắng sẽ làm bất cứ điều gì để tránh đối đầu. Thực tế, các cuộc tấn công (được cho là do Iran tiến hành) nhằm vào tàu chở dầu ở Vùng Vịnh và vào các máy bay do thám không người lái tiên tiến dường như đã khiến Tổng thống Trump ngày càng mong muốn có cuộc gặp với Tổng thống Hassan Rouhani để giải quyết những bế tắc giữa 2 nước.

Bài học cho các đồng minh của Mỹ

Vậy những đồng minh khác của Mỹ học được gì sau phản ứng của Mỹ đối với các cuộc tấn công ở Saudi Arabia? Đó là họ cần phải chuẩn bị để tự mình đối mặt với những thách thức an ninh mà không có sự can dự của Mỹ.

Trường hợp của Saudi Arabia có thể là đặc biệt theo cách nào đó khiến Mỹ không muốn vội vàng đi đến hành động bảo vệ đồng minh. Saudi không mấy được ưa thích ở Mỹ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, cuộc chiến ở Yemen và vai trò có thể nhận thấy trong vụ khủng bố 11/9/2001.

Trong khi đó, sự yếu kém trong phòng vệ của Saudi Arabia dù đã mua các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ nhưng vẫn không thể ngăn chặn các cuộc tấn công cơ sở dầu khí dường như đã thúc đẩy nước này “tạm dừng” sự trung thành đối với Mỹ và kiểm tra lại mối quan hệ song phương.

Đây chỉ là một trong những ví dụ mới nhất cho thấy sự thay đổi ngày càng thấy rõ trong chính sách ngoại giao của Mỹ, và tất nhiên sự thay đổi đó sẽ không chỉ áp dụng với mỗi Saudi Arabia. Israel có thể cũng tìm thấy những thực tế mới trong chính sách ngoại giao Mỹ, theo đó họ sẽ không còn kỳ vọng rằng Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ các đồng minh đang phải đối mặt với các mối đe dọa chiến lược.

Thực tế này đòi hỏi các nước phải đánh giá lại tổng quan các kế hoạch khẩn cấp của mình. Nếu như những cam kết của Mỹ với các đồng minh ngày hôm qua đã bị nghi ngờ, thì kẻ thù của ngày hôm nay có thể sẽ táo bạo hơn. Khi đó, họ sẽ phải tự mình đương đầu với những mối đe dọa, những thách thức an ninh mà không có sự can dự của Mỹ./.

Nguồn tin: vov.vn

ĐỌC THÊM