Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, châu Âu là điểm đến chính cho xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ vào năm 2022, chiếm 64% tổng xuất khẩu.
Xung đột Nga-Ukraine đã làm nổi bật thực tế về sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Moscow. Trước chiến dịch quân sự, dòng khí đốt của Nga đến Liên minh châu Âu (EU) chiếm khoảng 45% tổng nhập khẩu.
Năm ngoái, Điện Kremlin đã cắt giảm 75% lượng khí đốt xuất khẩu sang EU, khi khu vực này bước vào mùa Đông - thời điểm cần khí đốt để sử dụng cho các thiết bị sưởi ấm. Sự không chắc chắn của thị trường đã đẩy giá xăng lên mức cao chưa từng thấy và làm tăng chi phí năng lượng, gây áp lực lên các nền kinh tế, cũng như người tiêu dùng châu Âu.
Phía Nga tuyên bố sẽ không nối lại toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu cho đến khi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Thời điểm đó, EU đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong quá trình "ly hôn" khí đốt của Nga. Tuy nhiên, điều không ai ngờ tới rằng, tình hình đã đột ngột thay đổi, phần lớn do thời tiết mùa Đông tại châu Âu ấm áp bất thường và sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động nhập khẩu LNG, chủ yếu từ Mỹ
Châu Âu là điểm đến chính cho xuất khẩu LNG của Mỹ vào năm 2022, chiếm 64% tổng lượng xuất khẩu. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, năm ngoái, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan là những khách hàng chính.
Bà Adila McHich, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại CME Group nhận định trên trang Forbes rằng: "Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đưa chính sách năng lượng của Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau hơn".
Thực hiện sứ mệnh giải cứu
Theo bà Adila McHich, LNG của Mỹ đã phần nào giúp châu Âu vượt qua mùa Đông năm 2022 và củng cố vai trò của khu vực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho các đồng minh phương Tây.
Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố một hiệp ước chiến lược, theo đó các công ty EU sẽ tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ.
Các chuyên gia ước tính, thời gian qua, những lô hàng LNG lên đến 40 triệu tấn đã giúp châu Âu giảm bớt tình trạng thiếu nguồn cung. LNG từ Mỹ cũng giúp các quốc gia trong khu vực này xây dựng kho dự trữ khí đốt dồi dào, chuẩn bị cho mùa Đông năm 2023.
Ngành LNG của nền kinh tế lớn nhất thế giới có tính cạnh tranh, được tài trợ bởi vốn tư nhân và được thúc đẩy bởi tinh thần kinh doanh. Giao dịch LNG thường dựa trên quy luật cung cầu. Không giống như ở nhiều quốc gia sản xuất, vai trò của chính phủ Mỹ chỉ là xác định khung pháp lý/chính sách và tiến hành ngoại giao năng lượng.
Giá LNG của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc neo giá khí đốt và đại diện cho một mức giá cho các dự án cạnh tranh ở nước ngoài. Theo S&P Global Commodity Insights, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký hợp đồng khoảng 75% công suất LNG toàn cầu vào năm 2022.
Bà Adila McHich nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã giúp Mỹ đạt được một số cột mốc quan trọng.
Thứ nhất, định vị Mỹ như một đồng minh năng lượng chiến lược và đáng tin cậy. Thứ hai, nới lỏng sự kiểm soát của Nga đối với khí đốt châu Âu. Thứ ba, nâng cao khả năng của Mỹ trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo năng lượng toàn cầu".
Trung Quốc cũng ráo riết mua LNG từ Mỹ
Trung Quốc đang cạnh tranh với châu Âu để ký kết các thỏa thuận cung cấp dài hạn với các nhà phát triển và xuất khẩu LNG của Mỹ. Mới đây, nhà xuất khẩu LNG của Mỹ Cheniere đã ký hợp đồng hơn 20 năm với ENN của Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg cũng dẫn nguồn thạo tin cho biết, chính phủ Trung Quốc đang hậu thuẫn nỗ lực của các công ty quốc doanh ký hợp đồng mua khí đốt dài hạn, song song với đầu tư vào các cơ sở xuất khẩu khí đốt. Đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm củng cố an ninh năng lượng đến giữa thế kỷ này.
Ông Toby Copson, Giám đốc toàn cầu về giao dịch và tư vấn của công ty Trident LNG ở Thượng Hải cho rằng: “An ninh năng lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Việc chuẩn bị trước nguồn cung dồi dào cho phép họ quản lý sự biến động của thị trường năng lượng trong tương lai. Tôi cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn tiếp tục đi theo hướng này”.
Những nỗ lực giành thỏa thuận mua khí đốt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ hậu thuẫn các dự án xuất khẩu khí đốt trên toàn cầu, tăng cường vai trò của loại nhiên liệu vận chuyển bằng đường biển này trong cơ cấu năng lượng của thế giới.
Khi các nhà cung cấp chuyển sang thu hút các nhà nhập khẩu Trung Quốc, ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thị trường sẽ tăng lên.
Vấn đề thiếu than - nhiên liệu chính để sản xuất điện của đất nước tỷ dân - đã gây ra tình trạng cắt điện trên diện rộng đối với các nhà máy ở trong nước một thời gian ngắn vào năm 2021, trong khi sản lượng thủy điện giảm đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vào năm 2022, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Phản ứng lại tình trạng này, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng công suất khai thác than và sản lượng than đã tăng lên mức kỷ lục, giữ cho các kho chứa luôn có đủ hàng và giúp giảm nhập khẩu than trong năm ngoái.
Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh muốn làm điều tương tự với khí đốt. Theo giới thạo tin, Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty năng lượng lớn trong nước tăng sản lượng khí đốt trong nước, cắt giảm chi phí khoan tìm để tăng khả năng tự cung tự cấp.
Bloomberg cho hay: "Đây là cái nhìn dài hạn để Trung Quốc tránh lặp lại tình trạng khan hiếm năng lượng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
'Truất ngôi' USD dầu mỏ?
Trung Quốc đã thực hiện giao dịch mua LNG thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ đầu tiên từ TotalEnergies - Tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Pháp vào tháng 3/2023. Bà Adila McHich cho rằng, giao dịch này là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thách thức sự thống trị của hệ thống Petrodollar (USD dầu mỏ - tức mua bán dầu bằng USD) đã có từ những năm 1970.
Việc sử dụng các đồng tiền không phải USD trong giao dịch LNG không hề đơn giản. Từ chối đồng bạc xanh trong giao dịch dầu mỏ sẽ khiến cả hai bên phải chịu thêm chi phí do rủi ro tỷ giá hối đoái và sự không phù hợp của tiền tệ vì hầu hết các nhà xuất khẩu đang giao dịch bằng đồng tiền này.
Bà Adila McHich nhận thấy: "Vẫn còn phải xem điều này sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian dài, khi Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng với tư cách là người mua LNG lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, những căng thẳng địa chính trị hiện nay đối với Ukraine cũng đã đẩy nhanh quá trình nối lại quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả LNG.
Trong khi Mỹ dường như đang có lợi thế khi xem xét thương mại với châu Âu, thì việc nối lại quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc và tác động đối với thương mại LNG sẽ rất thú vị để theo dõi trong tương lai gần".
Nguồn tin: Thế giới & Việt nam