Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khủng hoảng năng lượng đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với ngành công nghiệp của châu Âu

Các ngành công nghiệp châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng tăng cao đến mức họ phải cắt giảm hoặc ngừng sản xuất, mất thị phần toàn cầu và có nguy cơ bị thiệt hại vĩnh viễn cho khả năng cạnh tranh của châu Âu.

Chi phí điện và khí đốt tự nhiên tăng cao đã dẫn đến việc tăng chi phí hoạt động cho tất cả các ngành, từ sản xuất thép, sản xuất xe hơi đến dệt may. Khi các nhà sản xuất cắt giảm hoạt động, đóng cửa hoặc chuyển địa điểm sản xuất, họ có nguy cơ không bao giờ mở cửa trở lại ở châu Âu nữa, làm xói mòn khả năng cạnh tranh của EU, kể cả trong các ngành quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, chẳng hạn như lĩnh vực kim loại.

Các hiệp hội ngành công nghiệp của Châu Âu hoan nghênh một cách thận trọng các đề xuất khác nhau của EU nhằm giảm bớt gánh nặng giá năng lượng cao đối với các doanh nghiệp, nhưng họ cho rằng cần làm nhiều hơn nữa để duy trì khả năng cạnh tranh của EU và giúp các ngành công nghiệp không bị đóng cửa và sa thải hàng loạt.

Mối đe dọa hiện hữu

Giá năng lượng tăng cao đã thúc đẩy làn sóng cắt giảm công suất luyện nhôm trên khắp châu Âu khi các nhà máy luyện kim quay cuồng với giá điện và khí đốt cao ngất ngưởng trong khi nhu cầu vẫn yếu do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Do chi phí năng lượng cao, ngành công nghiệp kim loại châu Âu vào tháng 9 đã kêu gọi EU hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự sụp đổ của ngành vốn đang đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ giá điện và khí đốt tăng cao.

Ngành phân bón Châu Âu cũng đang phải chịu giá khí đốt tự nhiên cao gấp 15 lần mức trước khủng hoảng, gấp 10 lần so với giá của Mỹ, và cao hơn giá ở châu Á, nhóm Fertilizers Europe cho biết.

Giá khí đốt tự nhiên tăng đang đẩy giá điện lên cao hơn, và chúng cũng gây thiệt hại cho các nhà sản xuất amoniac, một thành phần quan trọng trong phân bón vì khí tự nhiên là nguyên liệu chính để sản xuất amoniac. Trên toàn cầu, 98% nhà máy amoniac trên khắp thế giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là khí tự nhiên, với 72% và than, 22%, theo EIA.

Đơn cử như, do giá khí đốt tự nhiên tăng cao, công ty Yara có trụ sở tại Na Uy đã cắt giảm sản lượng amoniac trong năm nay, khiến tổng công suất sử dụng amoniac của châu Âu giảm xuống còn khoảng 35% tính tới tháng 8.

Ngành công nghiệp Châu Âu kêu gọi cứu trợ trên toàn Liên minh Châu Âu

“Với 70% sản lượng amoniac ở châu Âu đã tạm dừng sản xuất kể từ tháng 8, ngành công nghiệp này đang tìm kiếm các biện pháp cứu trợ cần thiết ngay lập tức để khôi phục sản xuất,” Fertilizers Europe cho biết vào tháng 9.

 “Các giải pháp thị trường khí đốt sẽ mất nhiều thời gian, điều mà ngành công nghiệp của chúng tôi không thể thực hiện. Quỹ đoàn kết là một sự phát triển tích cực, nhưng hiệu quả của nó phụ thuộc vào việc triển khai nhanh chóng ở cấp độ các nước thành viên EU nhằm đảm bảo hợp lý hóa nguồn vốn khả dụng cho hầu hết các lĩnh vực bị ảnh hưởng, chẳng hạn như ngành phân bón”, Jacob Hansen, Tổng giám đốc Fertilizers Europe cho biết.

Hiệp hội các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm ngành phân bón, luyện thép, hóa chất, gốm sứ, khai khoáng, thủy tinh và giấy, nhấn mạnh “sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp tức thời và hiệu quả hơn, khi chúng tôi nhận thấy tình hình khủng hoảng ngày càng trầm trọng qua từng ngày trong các ngành công nghiệp của mình".

Hiệp hội ngành công nghiệp cho biết vào cuối tháng 9: “Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu khẩn trương đưa ra các biện pháp trên toàn EU nhằm giải quyết tác động của giá khí đốt tự nhiên đối với khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp và các biện pháp được đưa ra để tách giá điện khỏi giá khí đốt”.

Kể từ đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quy tắc khẩn cấp mới để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng này, bao gồm mua khí đốt chung, cơ chế hạn chế giá, và đoàn kết giữa các nước EU trong trường hợp thiếu hụt khí đốt.

Hiệp hội công nghiệp nhôm cho biết trong một phản hồi: “Chúng tôi ủng hộ các đề xuất về khủng hoảng năng lượng, chúng bổ sung cho các quy định của Hội đồng đã thông qua, nhưng chúng tôi cần các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm giảm ngay tác động của giá khí đốt đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng để duy trì nền công nghiệp phát triển và bền vững của EU”.

Mất khả năng cạnh tranh

European Aluminium, cùng với các hiệp hội gốm sứ, phân bón và thép, cho biết "Cuộc khủng hoảng sản xuất hiện tại và việc đóng cửa ở châu Âu đang nhanh chóng dẫn đến một cuộc khủng hoảng khác: sự gia tăng của hàng nhập khẩu với giá thấp hơn vào châu Âu chiếm thị phần và kéo dài thời gian đóng cửa tạm thời."

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ngành công nghiệp ô tô cho rằng sự gia tăng lớn về chi phí năng lượng hiện là thách thức lớn nhất, một cuộc khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức cho thấy vào tháng trước.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, do chi phí năng lượng quá cao, 10% các công ty đã có những hạn chế sản xuất, trong khi một phần ba những công ty khác thảo luận về những hạn chế sản xuất.

Hiệp hội cho biết: “Do đó, không có gì ngạc nhiên khi 85% công ty coi Đức là một địa điểm kém cạnh tranh trên trường quốc tế về giá năng lượng và an ninh nguồn cung năng lượng”.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của Châu Âu và chi phí năng lượng tăng cao trong ngành công nghiệp có thể dẫn đến các nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Châu Âu mất tới 1 triệu chiếc xe được sản xuất mỗi quý từ quý này đến cuối năm 2023, S&P Global Mobility cho biết trong một báo cáo tuần trước.

Tại Ý, chi phí năng lượng tăng cao đang đẩy các công ty dệt may trong nước đến bờ vực thua lỗ, và có nguy cơ thúc đẩy ngành này chuyển hoạt động sản xuất sang châu Á một lần nữa, Sergio Tamborini, chủ tịch hiệp hội công nghiệp Sistema Moda Italia, nói trong một cuộc phỏng vấn với Nordest Economia trong một cuộc phỏng vấn.

Tổ chức Bàn tròn các ngành công nghiệp châu Âu (ERT) đã cảnh báo trong một báo cáo tháng này rằng "Giá năng lượng cao và chuỗi cung ứng nguyên liệu thô hạn chế đang nhanh chóng loại bỏ cơ sở cho khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp châu Âu và khả năng đạt được các mục tiêu khử cacbon táo bạo."

“Ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở EU đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện hữu. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu và các nhà hoạch định chính sách không có những hành động quyết liệt trong những tuần và tháng tới để giảm chi phí năng lượng cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng, thì thiệt hại sẽ không thể khắc phục được và sẽ dẫn đến mất việc làm đáng kể ở châu Âu”, ERT bình luận thêm.

Theo một phân tích của Economist Intelligence Unit từ tuần trước, “Nhu cầu giảm đang buộc ngành công nghiệp trên toàn châu Âu dừng hoạt động, và sẽ làm tăng chi phí đầu vào lên mức khiến ngành công nghiệp châu Âu không thể cạnh tranh. Điều này có thể kéo dài trong vài năm, khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi châu Âu”.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM