Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Đức có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn trong những ngày tới vì sản xuất điện gió sẽ giảm trong bối cảnh tốc độ gió thấp trong tuần này, theo một mô hình thời tiết của Bloomberg.
Sản lượng điện từ gió được dự kiến sẽ thấp hơn bình thường trong tuần đầu tiên của tháng 7, đặt ra một thách thức nữa đối với việc sản xuất điện ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn đang phải chịu sự suy giảm trong nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga qua đường ống Nord Stream.
Theo ước tính của Bloomberg, dự báo về tình hình thời tiết cho tuần tới đã khiến giá điện trước 1 ngày của Đức tăng hơn 3% vào thứ Tư, gần đạt mức cao nhất kể từ tháng 3.
Đức, nước phụ thuộc vào khí đốt của Nga cho 40% lượng khí đốt tiêu thụ trước cuộc chiến ở Ukraine, hiện đang tìm các giải pháp sau khi Moscow cắt giảm nguồn cung cho các nước tiêu thụ lớn của EU, trong đó có Đức và Ý, với lý do “lý do kỹ thuật”. Đức và Ý đã bác bỏ lý do của Gazprom đối với dòng chảy thấp hơn và nói rằng động thái này có động cơ chính trị.
Tuần trước, Đức thậm chí còn khởi động giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp khí đốt gồm ba giai đoạn khi nước này chuẩn bị cho khả năng ngừng nhận nguồn cung khí đốt hoàn toàn từ Nga thông qua đường ống Nord Stream.
Nord Stream dự kiến sẽ được bảo trì đinh kỳ trong hai tuần vào tháng Bảy, điều này sẽ làm tạm dừng việc vận chuyển khí đốt qua đường ống. Các thành viên EU lo ngại rằng việc bảo trì có thể là cái cớ để Nga tiếp tục hạ thấp hoặc ngừng hoàn toàn nguồn cung.
Giá khí đốt chuẩn ở châu Âu đã tăng trở lại vào thứ Tư khi lục địa này dự kiến nguồn cung sẽ tiếp tục xấu đi. Pháp, quốc gia dựa vào năng lượng hạt nhân cho phần lớn sản lượng điện của mình, hiện có rất nhiều lò phản ứng đã ngừng hoạt động vì bảo trì kéo dài.
Giá khí đốt của châu Âu là giá hàng hóa duy nhất tăng rất nhiều kể từ khi Hoa Kỳ báo cáo lạm phát cao hơn dự kiến vào ngày 10 tháng 6, theo dữ liệu từ Ngân hàng Saxo và Bloomberg Commodity Subindices. Kể từ ngày 10/6, giá khí đốt tại trung tâm TTF của Hà Lan, chuẩn cho khí đốt châu Âu, đã tăng 55% do nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nhiều hơn.
Nguồn tin: xangdau.net