Khủng hoảng kinh tế, hạ tầng dầu khí xuống cấp, ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ… là những nguyên nhân chính khiến sản lượng dầu của Venezuela lao dốc.
Muôn vàn khó khăn
Theo nhận định của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), công nghiệp dầu mỏ vốn là nguồn thu nhập chính của Venezuela đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Venezuela nắm giữ trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, song đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn
Trong điều kiện hoạt động bình thường, Venezuela sản xuất 1,2 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự sụt giảm năng suất dầu mỏ của Venezuela.
Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Venezuela trong nỗ lực ép Tổng thống Nicolas Maduro từ bỏ vị trí lãnh đạo đất nước, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu dầu tới các quốc gia là khách hàng của Mỹ, cấm các công ty Mỹ bán naphtha, một chất pha loãng dầu nặng cho Venezuela. Mỹ cũng đóng băng tài sản tại Mỹ của ông Maduro và các quan chức hàng đầu trong chính quyền Venezuela.
Tổng thống Maduro từng lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Caracas: “Điều gì biện minh cho các biện pháp trừng phạt đối với một công ty vận tải, một dịch vụ công cộng? Chúng đã gây hại gì? Thiệt hại gây ra là đối với người dân Venezuela”.
Năm ngoái, người đứng đầu Tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michele Bachelet cảnh báo các lệnh trừng phạt sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế đã bước sang năm thứ 7 liên tiếp của Venezuela, trong đó có tình trạng thiếu lương thực, khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đó, Mỹ lên kế hoạch áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Venezuela. Đây là một trong những nỗ lực nhằm bóp nghẹt tài chính của chính quyền ông Maduro.
“Bạn sẽ thấy điều gì đó trong tương lai không xa”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong một cuộc họp báo ở Delhi (Ấn Độ) khi được hỏi liệu Washington có áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Venezuela hay đối với các công ty Ấn Độ mua dầu của Venezuela từ các bên thứ ba.
Các động thái diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố áp trừng phạt đối với Rosneft Trading SA - một chi nhánh của tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft - khi chi nhánh này đóng vai trò trung gian quan trọng giúp Venezuela bán dầu.
Reuters dẫn các tài liệu nội bộ cho thấy, kể từ khi lệnh trừng phạt mới nhất được công bố, công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA đã chuyển một số hàng từ Rosneft Trading sang TNK, một chi nhánh khác của Rosneft.
Các chi nhánh của Rosneft lấy dầu của Venezuela thay cho khoản nợ hàng tỉ USD của Venezuela, được gia hạn những năm gần đây. Trong khi đó, các công ty khác lấy dầu của Venezuela để trừ nợ hoặc cổ tức muộn, bao gồm cả công ty dầu mỏ lớn của Mỹ là Chevron và Repsol SA của Tây Ban Nha, đã không bị Mỹ trừng phạt.
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, ông Manuel Quévédo, phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Moscow (Nga) diễn ra hôm 3-10-2019: “Chúng tôi có kế hoạch khôi phục mức sản xuất dầu như năm 2018, khoảng 1,5-1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Mục tiêu hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm 2020”.
Nga được xem là quốc gia dẫn đầu những nước ủng hộ Venezuela, thông qua Tập đoàn dầu mỏ Rosneft. Một phần khoản nợ của Caracas với Moscow lên tới vài tỉ USD được trả bằng dầu, theo thỏa thuận giữa PDVSA và Rosneft.
Venezuela là thành viên Mỹ Latinh của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), là nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, do thiếu tiền để hiện đại hóa các mỏ dầu, sản xuất dầu của Venezuela giảm 37% trong năm 2018, thấp nhất trong 30 năm qua.
Sự sụp đổ giá dầu thô kể từ năm 2014 cũng khiến Venezuela, nước có GDP gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu dầu mỏ, rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Ngày 20-2-2020, Tổng thống Maduro tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngành công nghiệp dầu mỏ, kêu gọi các biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng của Venezuela.
Chật vật giữa khủng hoảng
Rafael Ramirez, cựu Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí Venezuela, cựu Chủ tịch PDVSA, cho rằng chính quyền ông Maduro đang dần tư nhân hóa ngành dầu mỏ: “PDVSA ngày nay không quản lý ngành công nghiệp dầu mỏ của chúng ta, người Venezuela cũng không quản lý nó. Giữa cuộc hỗn loạn do cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước gây ra, ông Maduro đang có những động thái như chuyển giao, chuyển nhượng hoạt động khai thác dầu cho tư nhân”. Tuy nhiên, PDVSA không bình luận về các thông tin này.
Các tài xế xếp hàng tại một trạm xăng của PDVSA
Cho đến trước khủng hoảng kinh tế năm 2013, PDVSA là điểm sáng của nền kinh tế Venezuela, hiện diện trên nhiều lĩnh vực, từ siêu thị đến công viên.
Theo luật pháp Venezuela, công ty dầu khí nhà nước phải là cổ đông chính trong tất cả các dự án lớn của quốc gia. Song, các chuyên gia làm việc trong các dự án năng lượng cho hay, trên thực tế, các công ty tư nhân đang phụ trách các hoạt động như bơm dầu thô, xuất khẩu, trả lương cho công nhân, mua thiết bị, thậm chí thuê các đội an ninh để bảo vệ hoạt động của họ.
Việc chính quyền của Tổng thống Maduro âm thầm “tư nhân hóa” ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela dường như đã ngăn chặn sự sụp đổ dưới áp lực cấm vận của Mỹ, theo NYTimes.
Dữ liệu của OPEC cho thấy, các lệnh trừng phạt được áp từ tháng 1-2019 đã “thổi bay” khoảng 1/3 sản lượng dầu của Venezuela, đưa nó xuống mức thấp nhất kể từ những năm 40 của thế kỷ trước. Sản lượng dầu ở thời điểm hiện tại chưa bằng 1/3 sản lượng năm 1998, khi ông Hugo Chávez nắm quyền, theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu của Bloomberg.
Việc xuất khẩu dầu nhỏ giọt đã giúp chính quyền của Tổng thống Maduro có được khoản doanh thu nước ngoài vào thời khắc cấp bách nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế đất nước, giúp chính quyền củng cố quyền lực và đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Cuối năm 2019, Venezuela đã ổn định xuất khẩu dầu ở mức khoảng 1 triệu thùng/ngày.
PDVSA dự kiến sản lượng dầu thô trung bình trong năm 2020 là 661.000 thùng/ngày từ vành đai Orinoco ở miền Đông Venezuela, cũng là nơi các tập đoàn Chevron, Rosneft và CNPC hoạt động.
Thực tế, sản lượng dầu tại Venezuela sụt giảm trong năm 2019 sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với PDVSA. Tháng 9-2019, PDVSA buộc phải cắt giảm sản lượng tại một số mỏ và dừng việc pha trộn dầu tại các khu vực sản xuất lớn nhất, vành đai Orinoco, do nguồn dự trữ tăng, dầu chưa bán được.
Song việc sản lượng sụt giảm là tất yếu ngay cả khi Mỹ chưa áp lệnh trừng phạt, do nhiều năm thiếu đầu tư và quản lý yếu kém tại PDVSA.
Nguồn tin: petrotimes.vn