Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khung điều chỉnh thuế môi trường xăng dầu áp dụng cho lộ trình dài

Bộ Tài chính đề nghị nâng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức 3.000– 8.000 đồng/lít và sẽ áp dụng cho lộ trình dài.

“Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được căn cứ dựa trên nhiều yếu tố và đảm bảo cho lộ trình dài...Mức tăng cụ thể như thế nào sẽ được cân nhắc tính toán, dựa trên tình hình kinh tế và giá cả tiêu dùng trong nước…”, thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo quý 1 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 10/4 tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi, cơ sở nào để điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở mức tối thiểu là 3.000 đồng/lít- mức tối đa là 8.000 đồng/lít, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết trong các hiệp định, Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu. 

Buổi họp báo quý 1 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 10/4 tại Hà Nội.

Tỷ lệ thuế, phí trên giá cơ sở của Việt Nam cũng đang ở mức thấp, khoảng 36% với xăng, từ 15-21% với dầu, thấp hơn so với nhiều nước như Hàn Quốc là 70%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%. Do đó, trên cơ sở tính toán các yếu tố trên, Bộ Tài chính đề nghị nâng khung thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít – 4.000 đồng/lít lên mức từ 3.000 đồng/lít – 8.000 đồng/lít là phù hợp. Đây sẽ là khung áp dụng cho lộ trình dài.

“Việc điều chỉnh khung thuế chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh. Mức thuế cụ thể thế nào, sẽ phải có các đánh giá tác động đến nền kinh tế trong nước, đảm bảo không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thi cho biết.

Trước những ý kiến lo ngại về việc thu nhiều nhưng chi ít và không đúng mục đích, gây bức xúc dư luận, ông Phạm Đình Thi cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thuế bảo vệ môi trường là khoản thu Ngân sách Nhà nước và được sử dụng chi thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật Ngân sách Nhà nước như chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo xã hội... không phải là chỉ chi cho bảo vệ môi trường.

Trong việc chi cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quan trọng có tác động trực tiếp đến bảo vệ môi trường như xử lý nước thải, xây dựng, nâng cấp đường giao thông... Riêng đối với kinh phí sự nghiệp môi trường vẫn đảm bảo chi không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước.

Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một trong các giải pháp thực hiện là tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách.

“Tỷ lệ chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước mới là số chi trực tiếp cho bảo vệ môi trường. Chi cho đầu tư phát triển, chi các dự án như dự án xử lý nước thải Hà Nội, TP HCM…hoặc nâng cấp hạ tầng giao thông là chi gián tiếp bảo vệ môi trường. Do đó, cần phải có đánh giá tác động tổng thể. Không thể nói là thu nhiều, chi ít hoặc chi không đúng mục đích. Việc Sử dụng nguồn thu từ thuế này đúng Luật Ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt và có hiệu lực từ đầu năm 2017”, ông Thi khẳng định.

Tại buổi họp báo, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối Ngân sách Nhà nước quý 1/2017 đạt hơn 280.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I đạt 66.800 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Về chi Ngân sách Nhà nước, tổng chi ngân sách quý I ước đạt 284,96 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8%. Bội chi Ngân sách Nhà nước ước 3 tháng là hơn 4.000 tỷ đồng, bằng khoảng 2,27% dự toán năm.

Nguồn tin: 

Việc đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu gây nhiều băn khoăn

Số thu tăng cao nếu nâng thuế

Theo lý giải của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính mới chỉ đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1.000 đồng-4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng-8.000 đồng/lít. Hiện mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít.

Trên cơ sở đánh giá tác động cụ thể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể đối với xăng dầu trong phạm vi khung quy định tại Luật cho phù hợp.

Có nghĩa, nếu được Quốc hội thông qua khung thuế lên mức tối thiểu 3.000 đồng/lít, tối đa 8.000 đồng/lít, thì việc điều chỉnh mức thuế, chẳng hạn từ mức 3.000 đồng/lít hiện hành lên con số cụ thể, ví dụ như 4.000 hay 5.000 đồng/lít sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Vậy nếu mức thuế xăng dầu giữ nguyên như hiện hành (xăng, nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 đồng/lít; dầu mazut dầu nhờn mỡ nhờn 900 đồng/lít,kg) số thuế bảo vệ môi trường ngân sách thu được từ xăng là bao nhiêu?

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giữ nguyên mức thu này, ngân sách sẽ thu được hơn 21.200 tỷ đồng từ xăng; 15.600 tỷ đồng từ dầu diesel; 2.100 tỷ đồng từ nhiên liệu bay, dầu mazut là hơn 1.200 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thu từ xăng dầu sẽ là hơn 40.100 tỷ đồng.

Còn nếu một ngày nào đó, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên tối đa (xăng 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 6.000 đồng/lít, dầu diesel 4.000 đồng/lít…) thì số tiền ngân sách thu được không hề nhỏ.

Bộ Tài chính đã có tính toán con số này. Cụ thể, nguồn tin này cho biết, nếu thuế xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít thì ước tính ngân sách thu được 56.600 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức thu hiện tại. Dầu diesel cũng sẽ thu được hơn 41.600 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức thu hiện tại…

Tổng cộng, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở phương án tối đa ước tính đạt gần 110.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần hiện tại.

Lưu ý thêm, mức thuế tối đa 8.000 đồng/lít với xăng mà Bộ Tài chính xây dựng là để cho một lộ trình dài hơi, tùy tình hình cụ thể, không phải tăng ngay thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng.

Kiên trì đề xuất nâng khung thuế

Kể từ khi công bố kế hoạch nâng trần khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 1.000-4.000 đồng/lít hiện tại lên mức 3.000-8.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Nhưng cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu nâng khung thuế bảo vệ môi trường 3.000-8.000 đồng/lít.

Góp ý cho đề xuất này, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị không tăng khung thuế cao như vậy. Cụ thể Hiệp hội đề nghị mức tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng chỉ là tối thiểu 3.000 đồng/lít - tối đa 5.000 đồng/lít; Diesel tối thiểu 1.500đồng/lít - tối đa 3.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay tối thiểu 3.000 đồng/lít - tối đa 5.000 đồng/lít.

Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc kỹ lưỡng và cẩn trọng.

Giải trình lại, Bộ Tài chính cho rằng: Việc đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường tối đa đối với xăng dầu (trừ dầu hỏa) như tại dự thảo gửi xin ý kiến đã được Bộ Tài chính nghiên cứu và tính toán đảm bảo phù hợp với các mục tiêu. Chẳng hạn để Ủy ban thường vụ Quốc hội có cơ sở điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa,

"Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; Phù hợp với lộ trình cắt giảm, bù đắp thuế nhập khẩu giảm trong dài hạn theo cam kết quốc tế; Phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu", theo Bộ Tài chính.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế tối đa đã đề xuất. Tại dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới nhất Bộ Tài chính đang xây dựng, các mức thuế cũng không thay đổi sau nhiều "can gián"./.

Nguồn tin: Vov

ĐỌC THÊM