Ngành công nghiệp dầu mỏ Canada là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch coronavirus. Vốn đã phải vật lộn với giá dầu thấp do thiếu hụt công suất vận tải, các nhà sản xuất dầu Canada năm nay đã phải đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu do đại dịch gây ra và một sự thúc đẩy chính trị mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo. Chưa hết, theo một báo cáo mới, dầu mỏ sẽ vẫn là nguồn năng lượng chính của Canada vào năm 2050.
Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của Canada đạt đỉnh vào năm ngoái, theo báo cáo Tương lai năng lượng 2020 của Canada do cơ quan quản lý năng lượng của quốc gia này công bố trong tuần trước. Riêng năm nay, sản lượng dầu dự kiến giảm 7%, tương đương 335.000 thùng/ngày, do nhu cầu năng lượng thấp hơn, và sản xuất điện sẽ giảm 3% do tổng nhu cầu năng lượng giảm 6%.
Nhưng đây là những tác động ngắn hạn của đại dịch. Trong vòng 20 năm tới, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm dần ở Canada cũng như ở những nơi khác với kế hoạch net-zero đầy tham vọng vào năm 2050, theo báo cáo của Cơ quan quản lý năng lượng Canada. Mặc dù vậy, vào năm 2050, chúng vẫn sẽ chiếm 2/3 tổng nguồn năng lượng.
Báo cáo xem xét hai kịch bản cho sự phát triển năng lượng trong hai thập kỷ tới: một kịch bản tham khảo và một kịch bản phát triển.
Theo kịch bản đầu tiên - kịch bản tham khảo - các nỗ lực hiện tại để hạn chế phát thải khí nhà kính vẫn chưa được tốt. Điều này có nghĩa là việc sử dụng dầu và khí đốt sẽ vẫn tương đối ổn định ngay cả sau khi đạt đỉnh, với nhu cầu ổn định này khiến giá tăng cao hơn, lên 75 USD/thùng vào năm 2050.
Theo kịch bản thứ hai, tiêu thụ dầu sẽ giảm trong hai thập kỷ tới. Vào năm 2030, nó sẽ thấp hơn 12% so với hiện tại và vào năm 2050, sẽ thấp hơn 35% so với hiện tại. Tất nhiên, nhu cầu dầu giảm không có nghĩa là nhu cầu năng lượng giảm, do đó năng lượng tái tạo - và hạt nhân - sẽ phát triển mạnh theo kịch bản này. Điện sẽ thay thế dầu mỏ để trở thành một nguồn năng lượng, chiếm 27% nhu cầu năng lượng tiêu dùng vào năm 2050, tăng từ mức 16% của hiện tại.
Kịch bản phát triển của Cơ quan quản lý Năng lượng Canada dựa trên một số giả định mà tất cả các dự báo năng lượng dường như đều dựa ra. Chúng bao gồm giá pin cho xe điện thấp hơn nhiều và chi phí liên quan đến sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió tiếp tục giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay cả với những giả định này, tức là xe điện sẽ chiếm một nửa doanh số xe hơi bán ra vào năm 2050, thì dầu và khí đốt vẫn sẽ tiếp tục đáp ứng 2/3 nhu cầu năng lượng của Canada.
Canada là nhà sản xuất dầu lớn thứ năm trên thế giới và là nơi có trữ lượng dầu lớn thứ ba. Tuy nhiên, chính phủ Trudeau quyết tâm giảm đáng kể lượng khí thải của nước này trong ba thập kỷ tới, cùng quan điểm với Liên minh châu Âu, cũng đã cam kết phát thải net zero vào năm 2050.
Đầu tháng này, chính phủ đã lập một kế hoạch cắt giảm khí thải mới với dự kiến báo cáo thường xuyên về việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải của Thỏa thuận Paris 5 năm một lần. Tuy nhiên, kế hoạch không đề cập đến việc đạt được các mục tiêu này như thế nào và hành động thích hợp sẽ được thực thi như thế nào. Nói cách khác, báo cáo nói rằng lượng khí thải phải được cắt giảm đến net zero vào năm 2050 và các mục tiêu giảm cụ thể phải được đặt ra trong khoảng thời gian cho đến năm đó, nhưng làm thế nào để đạt được các mục tiêu này thì không ai biết chắc chắn.
Tuy nhiên, ngay cả khi có các bước cụ thể được vạch ra để giảm lượng khí thải theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada, sản lượng dầu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2039, khi theo kịch bản phát triển của cơ quan giám sát, nó sẽ đạt đỉnh khoảng 5,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí sẽ đạt đỉnh một năm sau đó, vào năm 2040, với tốc độ sản xuất hàng ngày là 18,4 tỷ feet khối. Kể từ thời điểm đó trở đi, cả sản lượng dầu và khí sẽ bắt đầu giảm.
Mức tăng gần một triệu thùng/ngày từ năm 2019 đến năm 2039 là một mức tăng đáng kể. Nó chắc chắn không phù hợp với các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, không có mục tiêu nào là quá tham vọng. Dựa trên kế hoạch của chính phủ, chỉ có tham vọng chung là giảm lượng khí thải. Đây là một môi trường chính trị tương đối an toàn cho ngành dầu khí bất chấp những thách thức khác như tình trạng chống đường ống dẫn dầu ở mức cao nhất.
Sản lượng dầu tiếp tục tăng không phù hợp với ý tưởng chuyển đổi năng lượng, ngay cả khi công suất năng lượng tái tạo cũng tăng trong hai thập kỷ tới. Thật vậy, Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada ghi nhận trong báo cáo của mình rằng “Để đạt được mức phát thải net-zero GHG vào năm 2050 sẽ đòi hỏi một tốc độ thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch nhanh hơn”.
Theo cơ quan quản lý, điều này có nghĩa là sẽ có nhiều chính sách ủng hộ chuyển đổi và phát triển công nghệ carbon thấp hơn. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu những điều trên được theo đuổi, sẽ có nhiều vấn đề hơn đối với ngành dầu khí vốn đã gặp khó khăn nặng nề của Canada. Tuy nhiên, mối đe dọa là hoàn toàn có khả năng đối với kế hoạch cắt giảm khí thải mới của Trudeau. Trừ khi các chính phủ trong tương lai thực sự thúc đẩy vấn đề chuyển đổi năng lượng, ngành công nghiệp dầu mỏ Canada có một tương lai gần như an toàn.
Nguồn tin: xangdau.net