Sau nhiều tháng xung đột ở Ukraine vàviệc một số cường quốc trên thế giới ngày càng tránh xa năng lượng của Nga, một số quốc gia đã tuyên bố rõ rằng họ không sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Putin khi nói đến lĩnh vực năng lượng. Với việc châu Âu và Bắc Mỹ quay lưng lại với dầu và khí đốt của Nga, điều này đã khiến giá năng lượng của Nga có tính cạnh tranh cao vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với chi phí năng lượng và tiêu dùng ngày càng tăng. Điều này đã khiến Trung Quốc, Ấn Độ và một số cường quốc khác phát triển quan hệ thương mại với Nga hơn nữa, nhằm mua được năng lượng giá rẻ. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã mua khối lượng lớn hơn các nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga, khi nước này được hưởng lợi từ việc giá giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu và khí đốt của Nga. Cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tổng thống Vladimir Putin của Nga tại Uzbekistan trong tháng này đã thể hiện cam kết của hai nhà lãnh đạo đối với các mối quan hệ thương mại ngày càng sâu sắc. Đó là tình huống đôi bên cùng có lợi, với việc Trung Quốc có thể tiếp cận năng lượng giá rẻ khi nước này cần nhất và Nga đang tìm kiếm thị trường thay thế cho châu Âu. Hai quốc gia thậm chí đã bắt đầu sử dụng đồng tiền của mình - đồng nhân dân tệ và đồng ruble – nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Trung Quốc được cho là đã nhập khẩu năng lượng của Nga nhiều hơn 17% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu LNG từ Nga đã tăng 50%, than tăng 6% và điện - thông qua một đường dây truyền tải rộng hơn - tăng 39%. Tổng cộng, Trung Quốc đã chi 43,68 tỷ USD cho nhập khẩu năng lượng của Nga vào năm 2022.
Nhưng quyết định làm thắt chặt hơn quan hệ với Nga không chỉ đơn giản là để làm phương Tây bất mãn. Nga đang giảm giá năng lượng đáng kể. Trung Quốc được cho là đã tiết kiệm được khoảng 3 tỷ USD thông qua việc mua dầu thô của Nga, chỉ trả khoảng 708 USD/tấn thay vì tìm nguồn cung nhập khẩu khác có giá khoảng 816 USD/tấn. Và đây không phải là quốc gia duy nhất chú ý đến giá năng lượng thấp của Nga, đặc biệt là khi phần lớn thế giới đang vật lộn với sự khan hiếm năng lượng cũng như giá dầu và khí đốt tăng cao.
Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã thể hiện sự quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ thương mại của nước này với Nga để có được nguồn cung năng lượng giá rẻ. Trong một tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga, ông gợi ý hai cường quốc có một "quan hệ đối tác đặc biệt", thể hiện sự quan tâm trong việc thúc đẩy hợp tác. Ấn Độ đã tăng nhập khẩu dầu từ Nga trong những tháng gần đây, mặc dù kêu gọi "ngoại giao và đối thoại" về cuộc chiến ở Ukraine. Và Ấn Độ đã không phản hồi trước sức ép của phương Tây đối với việc nhập khẩu này.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri tuyên bố trung thành với Ấn Độ và đảm bảo an ninh năng lượng. Ông Puri giải thích, “Không, không có xung đột. Tôi có nghĩa vụ đạo đức đối với người tiêu dùng của mình. Tôi với tư cách là một chính phủ được bầu cử dân chủ liệu có muốn xảy ra tình trạng hết xăng hay không?”
Thủ tướng Modi đã liên tục kêu gọi sự hỗ trợ lớn hơn từ phương Tây nhằm cải thiện an ninh năng lượng của Ấn Độ và giúp nước này chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong tương lai. Ông phát biểu với thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm ngoái rằng Ấn Độ có tiềm năng đáng kể về năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời và hydro xanh, nhưng nước này sẽ cần sự hỗ trợ và đầu tư lớn hơn từ nước ngoài để phát huy hết khả năng của mình. Tuy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng của Ấn Độ đang gia tăng và chính phủ đã bắt đầu thiết lập các chính sách năng lượng xanh có ý nghĩa, nhưng do dân số ngày càng tăng và lo ngại về sự khan hiếm dầu và khí đốt, nên năng lượng của Ấn Độ còn lâu mới được đảm bảo.
Tại Trung Đông, cả Saudi Arabia và Iran đều tăng cường quan hệ với Nga sau cuộc xung đột Ukraine. Saudi Arabia đã tăng gấp đôi lượng dầu nhiên liệu nhập từ Nga trong quý 2 năm 2022, cho phép nước này xuất khẩu sản lượng dầu thô cao hơn. Nhiên liệu giá rẻ của Nga ngày càng trở nên hấp dẫn đối với người mua nước ngoài, những người không ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga.
Trong khi đó, đồng minh cũng bị trừng phạt Iran đang tìm cách tăng cường quan hệ với Nga trong khi duy trì mối quan hệ đầy biến động với phương Tây. Iran và Nga thường coi nhau như những đối tác, một mối quan hệ đã tiếp diễn kể từ sau chiến tranh. Iran là quốc gia không thuộc Liên Xô cũ mà ông Putin đến thăm sau cuộc xâm lược, báo hiệu ý định thúc đẩy quan hệ đối tác với Tehran. Và có tiềm năng đáng kể đối với Nga khi Iran tái gia nhập thị trường dầu mỏ quốc tế, nếu JCPOA được ký kết với Mỹ, vì Iran có thể nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước - cho phép dầu thô của Iran được xuất khẩu hoặc tái xuất dầu của Nga cho người tiêu dùng ngoài châu Âu.
Trong khi châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục quay lưng lại với năng lượng của Nga, thì Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác đang tận dụng cơ hội này để tăng cường nhập khẩu dầu khí giá rẻ để cải thiện an ninh năng lượng. Bất chấp sức ép ngày càng lớn từ phương Tây để lên án hành động của Nga bằng cách từ chối năng lượng của Nga, sức hấp dẫn của các nguồn cung năng lượng giá rẻ đang khiến nhiều cường quốc trên thế giới phớt lờ.
Nguồn tin: xangdau.net