Lại một lần nữa xăng, dầu giảm giá. Đây cũng là thời điểm gần Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán nên không ít người dân hy vọng năm nay giá cước vận tải sẽ giảm. Tuy nhiên, khi được hỏi nhiều doanh nghiệp cho biết, sẽ tăng giá cước vận tải khách. Đại diện một số cơ quan chức năng thì cho rằng quyền tăng hay giảm là do doanh nghiệp cân đối. Nếu diễn ra như vậy, cuối cùng, chỉ có người dân là thiệt.
Nếu giá xăng tiếp tục giảm, hay ít nhất cũng là ổn định như hiện nay, tôi nghĩ, trong dịp Tết, các xe chạy 2 chiều không được tăng giá cước. Xe buộc phải chạy 1 chiều trong những ngày cao điểm, phụ thu có thể tăng nhưng sẽ không cao đến 40 - 60% như năm ngoái. Đó chính là quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam.
Ông Hùng cũng cho hay, với việc giá xăng dầu tiếp tục giảm 1.000đ/l trong tối 1/12, giá xăng đã về mức 12.000đ/l, thấp hơn mức cuối năm 2007 là 1.000đ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dư luận lại chăm chú dõi theo giá cước vận tải, nhất là trong bối cảnh Tết đang đến gần. Nhưng, khó mà có thể giảm cước vận tải thêm nữa, từ nay đến Tết Nguyên đán.
Ông Hùng lí giải, theo báo cáo của các hiệp hội vận tải từ cơ sở lên, đến cuối tháng 11 vừa qua, hầu như 100% doanh nghiệp vận tải đã giảm cước về trước giá thời điểm tăng, 15%, vào ngày 21/7/2008. Thậm chí, có doanh nghiệp giảm nhiều nhất so với thời điểm đó là 5%, tức quay về bằng mức cuối năm 2007.
"Theo tính toán của tôi, lần giảm mới nhất xăng dầu đều giảm 7%. Về nguyên tắc, cước vận tải sẽ giảm 3% là thích hợp. Song, con số 3%, tính chung chỉ là vài trăm đồng. Chưa kể tốn kém trong chi phí thủ tục, nhìn vào con số giảm đó, có khi lại phản tác dụng trong mắt người tiêu dùng. Chúng tôi nhiều lần đề nghị với Nhà nước, nếu xăng dầu tiếp tục giảm nhỏ giọt như vậy thì khó mà kéo theo các ngành khác giảm giá ngay", ông Hùng nói.
Đối với giá cước vận tải, theo ông Hùng, cố lắm cũng chỉ là giữ giá, không tăng từ nay đến trước Tết, chứ không thể hy vọng doanh nghiệp giảm giá thêm. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tính toán và phối hợp với các ngành chức năng địa phương tăng cường khuyến cáo với các doanh nghiệp: Không được tăng cước với xe chạy 2 chiều trong dịp Tết. Xe buộc phải chạy 1 chiều để giải tỏa khách, nếu có tăng phụ thu thì cũng nên ở mức thấp hơn năm ngoái, tức dưới 40%.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, đó cũng chỉ dừng ở mức khuyến cáo và giúp họ có tính toán khoa học, thích hợp về giá thành, chứ quyền chủ động giá thì hiệp hội không thể ép hay can thiệp được.
Có phần trái ngược với mong muốn của người đứng đầu Hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải đều có tính toán riêng. Đại diện của một trong những doanh nghiệp vận tải quy mô nhất miền Bắc, Phó Giám đốc Công ty Hưng Thành, ông Hoàng Anh Hùng cho hay, ngay giá cước hàng hóa và cước hành khách của doanh nghiệp này cũng đã có sự khác biệt.
"Với nhiều đối tác lớn, thường xuyên, từ năm 2008, để "sống chung" với sự bất thường của giá xăng dầu, cước vận tải hàng hóa của công ty đã "tự động" tăng, giảm mà không vấp phải sự phản ứng của khách. Ví dụ trong hợp đồng có thêm điều khoản mở: khi giá dầu thay đổi 30% thì cước cũng thay đổi 10%. Như lần này giá dầu giảm 10% thì chúng tôi tính cước rẻ đi 3%. Nhưng còn vận tải hành khách dịp Tết, chúng tôi buộc phải tăng phụ thu từ 60 - 80% (chiều Bắc - Nam trước Tết; và chiều Nam - Bắc, sau Tết)", ông Hùng cho biết.
Còn ông Phạm Cường, Giám đốc Công ty Vận tải Nam Định khẳng định, hiện Công ty cũng quản lý tới 120 xe khách, hoạt động ở 30 tuyến khác nhau, dù giá cả chi phí đầu vào đã tăng, nhưng nếu giá xăng dầu ổn định như hiện nay, chắc chắn từ nay đến Tết công ty sẽ không tăng giá cước vận tải.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng chắc chắn dịp tết một số doanh nghiệp vận tải khách sẽ vẫn tăng giá dưới hình thức phụ thu giá cước. Cục Đường bộ không thể can thiệp vào chuyện giá cước vận tải tăng giảm của doanh nghiệp thế nào là phù hợp.
"Chúng tôi chỉ có thể yêu cầu các doanh nghiệp công khai giá cước và thu đúng giá đó. Đối với những trường hợp doanh nghiệp vận tải cố tình thu thêm ngoài giá vé, thì người dân nên điện thoại ngay cho lực lượng CSGT, hoặc thanh tra giao thông đường bộ để họ kịp thời xử lý. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết tăng cao, để tránh tình trạng khách bị bắt chẹt về giá cước, khách nên vào bến mua vé. Khi đó, bến xe sẽ phải có trách nhiệm bố trí xe cho khách, chứ hành khách không nên ra ngoài bắt xe", ông Thanh nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, dù không thể can thiệp sâu vào vấn đề giá cả thì các cơ quan chức năng cũng nên quản lý chặt việc tăng giá của doanh nghiệp thế nào là phù hợp để tránh tình trạng giá nhiên liệu giảm, mà giá cước vẫn cao ngất, ảnh hưởng đến hành khách
(CAND)