Có rất ít mặt hàng giảm giá bán, cho dù giá xăng dầu đã nhiều lần giảm, thậm chí một số nhóm hàng còn tăng bình quân 7%-15% từ giữa tháng 11-2008. Đây là nhận xét chung của các siêu thị trên địa bàn TPHCM khi nói về giá hàng hóa.
Nghịch lý
Cuối quý 1-2008, người tiêu dùng đã chứng kiến hàng loạt mặt hàng thiết lập một mặt bằng giá mới, theo hướng tăng 20%-30% với lý do giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng đang tăng. Đến đầu tháng 10, nhiều quốc gia rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính, sản xuất và tiêu dùng có phần đình trệ đã khiến giá nguyên liệu sụt giảm khoảng 30%, thậm chí có những mặt hàng giảm tới 50% như nhựa, cao su tổng hợp… Nghịch lý bắt đầu xảy ra là khi giá nguyên liệu tăng thì giá trong nước cũng tăng theo rất nhanh, khi giá thế giới đã hạ, người tiêu dùng đang mỏi mắt trông chờ giá cả sẽ giảm theo. Nhưng thực tế thì sao?
|
Mặc dù giá xăng dầu, vật tư giảm nhưng giá nhiều mặt hàng ở siêu thị chưa giảm. Ảnh: THÀNH TÂM |
Dễ nhận thấy nhất là tại hầu hết hàng quán. Trong khẩu phần của từng dĩa cơm, tô phở… lượng và chất ngày càng “khiêm tốn” nhưng giá ngày càng đội lên. Tại quán phở Phương, trên đường Phan Văn Trị, phường 7 quận Gò Vấp, giá bán một tô phở bò tái từ 10.000-12.000 đồng, đã tăng lên 16.000-18.000 đồng/tô vào tháng 7 vừa qua với lý do giá nguyên liệu tăng mạnh, chi phí vận chuyển bị đẩy lên.
Bà Nguyễn Thị Phương, chủ quán phở, cho biết: “Báo chí nói nhiều về các phương tiện vận tải giảm giá cước, song khi ra chợ mua hàng tôi chỉ thấy giá lên mà không thấy xuống. Buôn bán phải cạnh tranh, do đó nếu giá từ đầu mối giảm thì buộc phải hạ giá bán. Đằng này, giá bán sỉ các mặt hàng dùng để nấu phở như thịt bò, gà… vẫn giữ nguyên giá, thậm chí có ngày còn tăng, nếu hạ giá bán là lỗ”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Cúc, Giám đốc DNTN Thanh Bình, chuyên cung cấp cơm hộp cho các doanh nghiệp tại quận 3, cho biết, dù nghe thông tin nhiều mặt hàng đang “ế” như gạo miền Tây đổ về TPHCM với giá rẻ, nhưng đến sáng 24-11, đại lý vẫn giao gạo 13.500 đồng/kg, cao hơn trước 500 đồng/kg.
Có xu hướng... tăng nhẹ
Cũng theo ông Ngô Văn Hải, đơn giá của nhiều mặt hàng từ nay đến cuối năm không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, bia Heineiken mỗi thùng đã chính thức tăng thêm 15%; một số loại sữa của Vinamilk đã tăng bình quân 7%-10%; nhóm hóa mỹ phẩm và tẩy rửa cũng rậm rịch tăng giá, điển hình như bột giặt Tide đã tăng thêm 10%… Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả cũng tăng rất mạnh 20%-30%, tùy loại. Nhiều người nhận xét ăn rau quả vào thời điểm này còn đắt hơn cả thịt cá!
Lý giải vì sao giá nguyên liệu thế giới đang giảm nhưng giá thành sản phẩm trong nước không giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) nói rằng, nguyên liệu đầu vào phải nhập từ trước đó khoảng 3-6 tháng - thời điểm giá đang rất cao. Nếu giữ nguyên mức giá sẽ bị lỗ, do vậy việc tăng thêm 7%-10% sẽ khó tránh khỏi sự phản ứng từ thị trường, nhưng không còn cách nào khác! Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, giá cả trong những tháng cuối năm sẽ khó có thể giảm vì hầu hết các đơn hàng nhập khẩu vào giữa năm đến nay mới được đưa vào sản xuất.
Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, giá không giảm cũng không loại trừ yếu tố tâm lý “giá đã lên, sẽ khó xuống”. Mặt khác, một số đầu nậu hàng hóa thường liên kết để giữ giá nên họ không dại gì giảm giá, nếu cơ quan chức năng không vào cuộc để kiểm soát.
Số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 giảm tới 0,69% so với tháng 1, nhưng mức giảm chỉ tập trung vào các nhóm mặt hàng như vật liệu xây dựng, nhà ở, giao thông, bưu chính-viễn thông… Các nhóm hàng tiêu dùng khác như thực phẩm không giảm. Tính chung trong 11 tháng qua, CPI của TPHCM tăng 18,58%, nếu so với cùng kỳ năm 2007, CPI vẫn tăng tới 23,16%. Con số này tương đối trùng khớp với số liệu của một số siêu thị, doanh thu trong năm nay tăng 20%-30%. Nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì doanh thu trong năm nay không tăng. Điều này cho thấy, giá cả tăng cao đã khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh.
Trước tình hình này, khả năng tăng giá hàng hóa trong tháng cuối năm là rất lớn. Vì vậy, đã đến lúc phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nhóm mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, không để giá hàng hóa tăng trở lại, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Rất cần thiết phải có một cuộc thanh tra toàn diện đối với các DN nhằm tránh tình trạng đổ thừa cho việc dự trữ nguyên liệu giá cao, nên không thể giảm giá bán trong thời điểm hiện nay.
(Sài gòn giải phóng)