Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khơi mào cuộc chiến giá dầu mới: Riyadh triệt dầu đá phiến?

Ả-rập Saudi cắt giảm giá dầu, khơi mào cuộc chiến giá dầu mới 

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ả-rập Saudi - Aramco - đã công bố giảm giá trên thị trường Châu Âu, dù việc này vi phạm trực tiếp "thỏa thuận đình chiến" giữa Ả-rập Saudi và Nga hồi tháng 4 nhằm chấm dứt cuộc chiến giá dầu, theo Bloomberg.

Theo công bố của Aramco, trong tháng 9, dầu thô ngọt nhẹ của Ả-rập Saudi cung cấp cho thị trường Châu Âu sẽ được chiết khấu 2,5-2,8 USD/thùng, dầu Aramco Arab Light sẽ chiết khấu 2,5 USD/thùng so với tháng 8.

Mức chiết khấu đối với giá dầu Brent trong tháng 9 tăng lên 1,8 USD/thùng so với mức 0,7 USD/thùng trong tháng 8. Dầu Arab Extra Light giao tháng 9 sẽ giảm 2,8 USD/thùng, tăng mức chiết khấu so với dầu Brent lên 1,3 USD/thùng.

Đối với thị trường châu Á, Aramco cũng quyết định giảm giá bán chính thức tháng 9. Theo đó, dầu Arab Super Light giảm 0,6 USD/thùng, dầu Arab Extra Light giảm 0,5 USD/thùng; dầu Arab Light giảm 0,3 USD/thùng.


Riyadh mượn Moscow làm bình phong để chơi lại Washington?

Không chỉ giảm giá bán và tăng chiết khấu cho các loại dầu nhẹ, mà Aramco cũng có kế hoạch giảm giá cho các loại dầu nặng mà tập đoàn này tung ra thị trường. Cụ thể, dầu Arab Medium và Arab Heavy giảm 0,3 USD/thùng.

So với hồi tháng 3, thì tỉ lệ giảm giá dầu và tăng chiết khấu của Aramco không lớn. Vì khi đó, dầu thô của Aramco giao tháng 4/2020 trên thị trường châu Á giảm khoảng 4-6 USD/thùng, giao sang Mỹ giảm 7 USD/thùng.

Giá dầu Arabia Light của Aramco bán sang thị trường châu Âu lần đầu tiên thấp hơn 10,25 USD/thùng so với giá dầu Brent. Đây là tỷ lệ giảm giá bán dầu sâu nhất trong 20 năm qua của Riyadh và khởi phát cho cuộc chiến giá dầu.

Lần này quyết định giảm giá bán, tăng chiết khấu của Saudi Aramco diễn ra trong bối cảnh OPEC+ nới lỏng hạn ngạch cắt giảm sản lượng từ tháng 8. Ưu tiên lúc này đối với Aramco được nhận diện là tăng lượng tiêu thụ để gia tăng thị phần.

Kể từ tháng 8 này, các nước tham gia "Cơ chế trong-ngoài OPEC" đã bắt đầu tăng sản lượng thêm ít nhất 1,2 triệu thùng/ngày, riêng Ả-rập Saudi, UAE và Kuwait đã từ bỏ hạn ngạch cắt giảm bổ sung tự nguyện 1 triệu thùng/ngày.

Theo giới chuyên gia tài chính và năng lượng, Ả-rập Saudi giảm giá bán để bơm thêm dầu ra thị trường, từ đó có thể tái khởi động cuộc chiến giá dầu mới nhằm tranh giành thêm thị phần khi OPEC+ nới lỏng hạn ngạch cắt giảm sản lượng từ ngày 1/8.

Cơ sở cho nhận định này chính là việc giảm giá bán và tăng chiết khấu của Tập đoàn Dầu khí Saudi Aramco có thể được hiểu như dấu hiệu của một lời đề nghị đàm phán mới mà Ả-rập Saudi muốn gửi tới Nga.

Trong trường hợp Moscow không "chịu đèn", rất có thể Riyadh sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn với hy vọng đẩy đối phương vào những điều kiện bất lợi, buộc phải cắt giảm sản xuất triệt để và giảm thị phần tại Châu Âu.

Riyadh quyết triệt dầu đá phiến Mỹ chứ không phải quyết đấu với Nga

Theo Tổ chức Sáng kiến dữ liệu chung về dầu mỏ (JODI), xuất khẩu dầu của Ả-rập Saudi trong tháng 6 vừa qua đã giảm tới 17,3% so với tháng 5, khi chỉ đạt mức 4,98 triệu thùng/ngày.

Nếu tính tổng thể, kể từ tháng 3/2020, xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Saudi đã có sự khác biệt rất lớn so với 5 năm trở lại đây, ngay sau khi Riyadh kích hoạt cuộc chiến giá dầu, mở đầu cho cuộc khủng hoảng dầu năm 2020.

Lượng xuất khẩu dầu của Vương quốc dầu mỏ trong tháng 4/2020 tăng 38,5% so với tháng 3/2020, từ mức 7,391 triệu thùng/ngày lên kỷ lục 10,237 triệu thùng/ngày, tăng 2,846 triệu thùng/ngày, theo số liệu của JODI.

Tuy nhiên, trong tháng 5/2020, xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Saudi đã giảm còn 6,02 triệu thùng/ngày, sau khi OPEC+ đạt được thỏa thuận hỗ trợ thị trường nhằm xóa bỏ tình trạng dư cung vì nhu cầu toàn cầu giảm 20 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020.

Tháng 6/2020 cũng là tháng mà Riyadh đã tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày, cộng với 2,5 triệu thùng/ngày mà nước này phải cắt giảm theo thỏa thuận của OPEC+.

Điều đó khiến cho lượng xuất khẩu dầu của Ả-rập Saudi trong tháng 6/2020, gồm cả dầu thô và các sản phẩm từ dầu, đã giảm thêm 1,41 triệu thùng/ngày, xuống tới mức 4,98 triệu thùng/ngày.

Song hành cùng với Ả-rập Saudi, Nga và 21 quốc gia trong-ngoài OPEC khác cũng giảm lượng xuất khẩu theo quota đã được phân bổ theo thỏa thuận của OPEC+. Chỉ duy nhất Mỹ không chịu cắt giảm, dù quota dành cho nước này rất ít ỏi.

Nhiều nhìn nhận cho rằng, việc Ả-rập Saudi tự nguyện cắt giảm lượng xuất khẩu dầu thêm 1 triệu thùng/ngày là nhằm gánh phần quota dành cho Mỹ, qua đó cứu được giá dầu trước nguy cơ chạm đáy 10 USD/thùng lập trong cuộc khủng hoảng năm 1998.

Vừa là nước nhập khẩu dầu, vừa nước xuất khẩu dầu, Mỹ đã nghiễm nhiên được lợi khi không tham gia thỏa thuận OPEC+. Song "người tính không bằng trời tính" vì dầu đá phiến có "yếu điểm kép" nên dù Mỹ đứng ngoài OPEC+, thì tổn hại vẫn cực lớn.

Theo Oilprice.com, có tới 75% số lượng giàn khoan dầu đá phiến Mỹ ngừng hoạt động, mà số lượng giàn khoan phải dừng hoạt động vẫn liên tục tăng với mức trung bình cứ 1 ngày có 2 giàn khoan phải dừng hoạt động,

Cụ thể theo số liệu tổng hợp, giữa tháng 3 có 779 giàn khoan còn hoạt động, nhưng đến giữa tháng 5 con số giảm xuống còn 339, đến giữa tháng 6 con số là 223, song đến giữa tháng 7 chỉ còn 170 giàn khoan hoạt động.

Ở lưu vực Permian của bang Texas, khu vực sản xuất dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, 243 trong tổng số 427 giàn khoan đã ngừng hoạt động ngay trong tháng 3 - nghĩa 57 % số giàn khoan trong lưu vực đã ngưng hoạt động ngay trong quý 1.

Với thảm cảnh như vậy nhưng đề xuất của ông Ryan Sitton, 1 trong 3 ba ủy viên điều hành Ủy ban Đường sắt Texas (RRC) - nơi điều tiết sản xuất dầu của bang Texas - về việc cắt giảm sản lượng, hồi tháng 5/2020, đã bị bác bỏ.

Lý giải cho việc bác bỏ, Chủ tịch RRC Wayne Christian nói rằng : "Tôi vẫn chưa rõ ý tưởng này có lợi cho ai. Thị trường vẫn đang điều chỉnh mà không cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng".

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, không khó nhận diện ý tưởng của ông Sitton bị bác bỏ không phải là do chính phủ tránh can thiệp vào cơ chế thị trường, mà nằm ở vấn đề lợi - thiệt của dầu đá phiến Mỹ và giới tài phiệt Mỹ, phát sinh từ ý tưởng này.

Đã hơn 4 thập kỷ, kể từ cuộc khủng hoảng dầu năm 1973, chính phủ Hoàng gia đã phải hy sinh quá nhiều lợi ích để giúp Washington sử dụng giá dầu làm công cụ triệt hạ những thực thể đối nghịch và mang lại nguồn lợi kếch xù cho giới tài phiệt Mỹ.

Rồi khi cuộc chiến giá dầu diễn ra, người đồng minh lớn của Mỹ tại Trung Đông vẫn tiếp tục hy sinh cho lợi ích Mỹ, đảm bảo nguồn lợi cho giới tài phiệt Mỹ. Vậy nhưng Washington lại luôn tỏ ra không biết điều với Riyadh.

Điều đó thể hiện rõ khi mọi biểu hiện lệch pha của Riadh nhằm nhắc nhở đồng minh về sự thua thiệt của mình đều bị Washington "thẳng tay trừng trị". Có lẽ, không chịu đựng được nữa, Riyadh đã mượn Moscow làm bình phong để chơi lại Washington.

Bởi lẽ, theo giới chuyên gia, việc Aramco Saudi giảm giá, tăng chiết khấu không thể kích hoạt một cuộc chiến giá dầu mới, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến dầu đá phiến Mỹ không thể sớm gượng dậy vì yếu điểm kép đã bộc lộ ra trong cuộc chiến giá dầu.

Việc Valaris Plc - công ty Mỹ sở hữu giàn khoan ngoài khơi lớn nhất thế giới tính về quy mô đội tàu - nộp đơn xin phá sản, sau khi Aramco công bố kế hoạch, đã chứng tỏ dầu đá phiến Mỹ vẫn ở cửa tử nếu Riyadh không nương tay với Washington.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM