Bộ Công Thương cho biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có báo cáo về việc sẽ tái khởi động lại dự án đầu tư nghìn tỷ Bio Ethanol Dung Quất sau một thời gian dài đắp chiếu.
Toàn cảnh nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio Ethanol Dung Quất) Ảnh: anh Tuấn
Bộ Công Thương cho biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có báo cáo về việc sẽ tái khởi động lại dự án đầu tư nghìn tỷ Bio Ethanol Dung Quất sau một thời gian dài đắp chiếu. Cụ thể, theo ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF), đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio Ethanol Dung Quất) đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Tocontap về việc gia công Ethanol từ nguyên liệu (sắn) do Tocontap cung cấp.
Theo hợp đồng này, Tocontap sẽ chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu, tổ chức phân phối Ethanol thành phẩm. Chi phí gia công là 3.000 đồng/lít. Hợp đồng này có thời hạn là 10 năm kể từ ngày ký, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm. Trong hợp đồng cũng ghi rõ, trong vòng 12 tháng đầu tiên, phía Tocontap cam kết tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng mà phía BSR-BF có thể sản xuất được.
Tocontap cũng tạm ứng chi phí sửa chữa nhà máy và chi phí gia công cho BSR-BF khi nhà máy hoạt động trở lại. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy phục vụ chạy lại cơ bản đã xong, dự kiến ngày 5/10 sẽ hoàn tất.
Dự kiến nhà máy khi khởi động lại sẽ đạt 65% công suất, sản xuất khoảng 2.000 tấn sản phẩm (trong 2 tuần đầu) sau đó được kiểm tra máy móc và nâng công suất. Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018, BSR-BF sẽ sản xuất 7.000m3 Ethanol cho Tocontap và 35.000m3 còn lại như trong hợp đồng đã ký, sẽ sản xuất vào năm 2019.
Cũng theo ông Phạm Văn Vượng, quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chạy lại nhà máy, sau đó nghiệm thu nhà máy, quyết toán công trình và phương án tiếp theo mới tính tới thoái vốn.
Dự án nhà máy Bio Ethanol Dung Quất được khởi công tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng. Nhà máy có công suất thiết kế 100 triệu lít Ethanol/năm và đưa vào vận hành thương mại vào tháng 2/2012. Dự án bên cạnh việc đội vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng, bị lỗ 200 tỷ đồng sau một năm hoạt động và phải “đắp chiếu” kéo dài từ tháng 4/2015.
Theo báo cáo gửi các cơ quan chức năng, chỉ riêng tại Quảng Ngãi, mỗi năm doanh nghiệp phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh này khoảng 70 tỷ đồng. Khoản vay này đã bị chuyển sang nợ nhóm 5 (nhóm có nguy cơ mất vốn) trong quý IV/2015, do chủ đầu tư không còn nguồn thanh toán.
Nguồn tin: tienphong.vn