Hiện nay, cơ chế điều hành giá xăng dầu là theo thị trường có sự điều tiết của Nhà nước (Nghị định 83/2014). Nhưng trên thực tế, thị trường xăng dầu đã không còn vận hành như những quy định của nghị định này và bản thân những nhà điều hành đang tạo ra nhiều khoảng trống khi công bố giá.
Cho đến nay Bộ Công Thương chưa công bố báo cáo chính thức nào đánh giá về tình hình thị trường xăng dầu sau ba tháng “khai tử” xăng RON 92 trên thị trường. Ảnh: Thành Hoa
Biến động theo giá ethanol
Nói riêng về thị trường xăng, sau khi xăng RON 92 bị “khai tử” vào đầu năm 2018 thì trên thị trường chỉ còn lại hai loại xăng phổ biến là RON 95 và E5 (xăng E10 cũng được tiêu thụ nhưng số lượng rất ít). Trước đây, Bộ Công Thương là nơi công bố giá xăng trong các kỳ điều hành, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính (công bố giá xăng RON 92 làm giá cơ sở). Hiện giá thế giới đối với xăng RON 92 vẫn được công bố nhưng chỉ để làm căn cứ tính giá xăng E5 (xăng nhiên liệu sinh học E5 là sản phẩm phối trộn 95% xăng RON 92 và 5% ethanol). Giá cơ sở xăng khoáng RON 95 hiện vẫn chưa được công bố.
Nhưng nói thế không có nghĩa là xăng E5 được công bố giá minh bạch hoàn toàn, cho dù mỗi kỳ tăng/giảm xăng E5 đều có sự công bố giá thế giới đối với xăng RON 92, giá ethanol đưa vào pha chế, mức tăng/ giảm... để thành giá cơ sở của xăng E5.
Tại sao lại nói như vậy? Vì cho đến nay Bộ Công Thương chưa công bố báo cáo chính thức nào đánh giá về tình hình thị trường xăng dầu sau ba tháng “khai tử” xăng RON 92 trên thị trường. Người tiêu dùng không biết được kết quả của việc thay thế nguồn cung xăng RON 92 bằng xăng E5 sau ba tháng đến đâu, mà sao có doanh nghiệp đầu mối như Saigon Petro đề nghị cho bán xăng RON 92 trở lại dù đề nghị này đã bị từ chối.
Có kỳ điều hành giá xăng dầu (23-3-2018), khi xăng nền RON 92 giảm 0,26 đô la Mỹ/thùng thì giá xăng E5 thành phẩm vẫn không thể giảm vì giá ethanol ở mức cao (13.828 đồng/lít). Với việc giá ethanol chỉ chiếm 5%, trong khi xăng RON 92 chiếm tới 95% chi phí đầu vào và đã giảm giá mà giá xăng E5 vẫn tăng thì công luận có quyền đặt câu hỏi.
Nhà nước “bù đầu, bù cuối” cho xăng E5 và doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu hay xăng E5 thành phẩm. Điều này có thể tạm chấp nhận trong giai đoạn chuyển đổi từ xăng RON 92 sang xăng E5, nhưng về lâu về dài thì không thể như vậy được.
Tính từ tháng 10-2017 đến nay, giá ethanol đã có tới bảy lần thay đổi giá và chủ yếu là tăng. Từng có thời điểm giá ethanol tiệm cận mức 15.000 đồng/lít. Nay giá ethanol đã giảm về mức 14.488 đồng/lít, vẫn là rất cao (giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Đừng nghĩ rằng ethanol chỉ chiếm 5% giá thành đầu vào của xăng E5 nên tăng hay giảm không đáng kể. Theo số liệu được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 7-2017, kể từ đầu năm 2018, khi chuyển đổi toàn bộ việc tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng E5, ước tính nhu cầu nhiên liệu ethanol để pha chế xăng E5 khoảng hơn 267 triệu lít/năm. Số lượng nhiên liệu lớn như vậy chỉ cần chênh lệch giá một vài trăm đồng đã có thể mang lại lợi nhuận (hoặc lỗ) cho doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu đầu mối và doanh nghiệp nhập khẩu, mua bán ethanol để phối trộn.
Vấn đề là trong nước hiện nay chỉ có một doanh nghiệp đầu mối duy nhất là Công ty TNHH Tùng Lâm (Quảng Ngãi) cung cấp 200 triệu lít ethanol/năm cho các đầu mối pha chế xăng E5. Tất nhiên nhà pha chế không nhất thiết phải mua ethanol của Tùng Lâm mà có thể nhập khẩu từ nguồn khác. Đến nay chưa có báo cáo nào cho thấy các đầu mối pha chế tiêu thụ bao nhiêu sản lượng ethanol của Tùng Lâm, bao nhiêu từ nguồn nhập khẩu. TBKTSG đã đặt câu hỏi cho hai doanh nghiệp pha chế xăng E5 lớn nhất nước nhưng họ từ chối cho biết số lượng ethanol đã nhập khẩu.
Điều cần công khai lại trở thành bí mật!
Bù chéo rất nhiều cho E5
Hơn thế nữa, do khuyến khích tiêu thụ xăng E5 nên thời điểm mới đưa vào sử dụng, trong mỗi kỳ điều hành giá, Bộ Công Thương đều cho biết việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu cho xăng E5 ở mức cao. Như kỳ điều hành giá hôm 23-3-2018 là xấp xỉ 700 đồng/lít, cộng với mức tăng giá khoảng 500 đồng/lít, tổng cộng giá xăng E5 tăng thêm khoảng 1.200 đồng/lít so với kỳ trước đó. Hay kỳ tăng giá ngày 5-4-2018, trích quỹ bình ổn giá cho xăng E5 là 790 đồng/lít và tăng giá 592 đồng/lít, tổng cộng xăng E5 tăng giá 1.382 đồng/lít. Một mức tăng giá rất cao nhưng lại thiếu giải trình trước công luận!
Mặt khác, mức trích quỹ bình ổn giá nêu trên được dành cho xăng E5 trong khi quỹ này được thu từ nguồn bán cả xăng RON 95. Nghĩa là có nhiều người không mua xăng E5 nhưng vẫn phải chịu thêm chi phí bù lỗ cho loại xăng này. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khi góp ý sửa Nghị định 83 đã đề xuất xóa Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì tính thiếu minh bạch của nó. Nếu đề xuất này được thông qua thì giá xăng E5 hết được bù lỗ sẽ (tăng) bao nhiêu?
Chưa hết, để khuyến khích tiêu thụ xăng E5, ngay từ Quyết định 53/2012 của Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã ghi rõ: công thức tính giá của xăng E5 thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt (thấp hơn 5% so với xăng khoáng) và dự kiến có thể áp mức thuế môi trường bằng 80% so với xăng khoáng khi dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua. Chi phí định mức đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng này cũng được tính cao hơn xăng khoáng...
Vẫn theo báo cáo của Bộ Công Thương tháng 7-2017, bản chất của xăng E5 và E10 là tỷ lệ phối trộn 5% và 10%. Do đó, cứ pha trộn càng nhiều thì tỷ lệ hoàn thuế càng cao. Ngân sách sẽ “để lại” khoản này cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối đầu vào, đầu ra xăng E5.
Nghĩa là Nhà nước “bù đầu, bù cuối” cho xăng E5 và doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu hay xăng E5 thành phẩm. Điều này có thể tạm chấp nhận trong giai đoạn chuyển đổi từ xăng RON 92 sang xăng E5. Tuy nhiên, thị trường hiện nay tiêu thụ cả xăng RON 95 và E5 mà số lượng tiêu thụ RON 95 tùy từng đầu mối chiếm khoảng 35% đến 60% tổng lượng xăng bán ra. Nghĩa là xăng E5 chưa chiếm ưu thế như kỳ vọng. Cho nên, cần phải có tổng kết, rút kinh nghiệm, tiếp thu phản ứng của người tiêu dùng, qua đó điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với mục tiêu thay thế. Nhất là khi Nghị định 83 có quá nhiều điểm không còn phù hợp với biến động thị trường hiện nay và những “khoảng trống” về điều hành giá đang ngày một lớn.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn