Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khó khăn khi thực hiện hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu

 

Các cột bơm xăng dầu phải đạt chuẩn mới có thể kết nối dữ liệu và sử dụng hóa đơn điện tử.


Chủ trương dùng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và kết nối dữ liệu trong kinh doanh xăng dầu (KDXD) của Tổng cục Thuế triển khai thí điểm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nếu không có tiềm lực về tài chính, sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng cột bơm, các trang, thiết bị hiện đại, sự đồng thuận của các bên liên quan,... thì việc áp dụng và triển khai HĐĐT trong KDXD khó đi vào thực tế.

Tăng kiểm soát nguồn thu

Việc sử dụng HĐĐT trong lĩnh vực xăng dầu được đánh giá là hướng đi thích hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của văn minh thương mại thế giới. HĐĐT mang lại cho DN một số lợi ích như: Tiết giảm chi phí in ấn hóa đơn; bảo đảm an toàn lưu trữ thông tin, khắc phục tình trạng mất hóa đơn trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, mua bán; giảm chi phí lao động bảo quản,... Khi triển khai HĐĐT, cả cơ quan quản lý thuế, DN đều có thể truy cập nhanh chóng vào Cổng thông tin xăng dầu của DN để tra cứu tất cả thông tin mua vào, bán ra, giúp cả hai phía thuận tiện trong việc kiểm soát, đối chiếu số liệu.

Việc triển khai HĐĐT xăng dầu cũng được kỳ vọng góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, ngăn chặn tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, từ đó chống thất thu thuế cho Nhà nước. Ngành thuế kỳ vọng sẽ tích hợp phần mềm quản lý bán hàng song song, đồng bộ phần mềm quản lý thuế để cá nhân, DN có thể lập tức lấy được hóa đơn khi thực hiện mua bán xăng dầu tại các cột bơm. Cùng với đó, dữ liệu mua bán được truyền thẳng về cơ quan thuế để quản lý, giám sát.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngay từ bây giờ, phải nghiên cứu áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hệ thống, thiết bị và chuẩn bị cơ sở pháp lý để áp dụng HĐĐT đến tất cả các cửa hàng, chi nhánh, công ty KDXD và thực hiện kết nối dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế. Tuy nhiên, do mặt bằng chung giữa các DN đầu mối chưa đồng bộ cho nên ngành thuế mới chỉ đưa ra quy định khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện.

Thời gian tới, về cơ sở pháp lý, có thể sửa đổi theo hướng coi việc kết nối dữ liệu HĐĐT với cơ quan thuế là điều kiện bắt buộc đối với KDXD. Vị đại diện này cũng khẳng định, quy trình lấy hóa đơn ở các điểm mua, bán xăng dầu hiện nay rất phức tạp và thủ công. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng ai cần hóa đơn thì viết, không thì thôi, tạo ra sự gian lận trong việc hợp thức hóa hóa đơn lĩnh vực xăng dầu. Nhiều cửa hàng xăng dầu có thể gom số lượng xăng, dầu bán ra của những người mua không cần hóa đơn để bán lại cho những người cần hóa đơn dù họ không thực hiện giao dịch mua bán.

Đẩy mạnh đầu tư

Một trong những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm đó là việc sử dụng HĐĐT có kiểm soát được lượng xăng dầu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường? Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết, vấn đề quan trọng nhất để chống buôn lậu xăng dầu là cơ quan quản lý phải giám sát được toàn bộ giao dịch mua vào, xuất ra của các DN KDXD, không chỉ qua cột bơm mà qua cả các phương tiện đo lường khác. V

iệc giám sát này sẽ thực hiện được khi có sự kết nối tự động tất cả các thông tin mua vào, bán ra của DN. Nói cách khác, đó là việc ứng dụng tự động hóa để khi nhận tất cả các thông tin của từng giao dịch từ phương tiện đo lường, bể chứa vào hệ thống thông tin quản trị DN thông qua một giải pháp phần mềm và được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan hay cơ quan thuế.

Hiện nay, Petrolimex đã có kế hoạch đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để hiện thực hóa chủ trương dùng HĐĐT trong KDXD. Dự kiến trong quý IV, Petrolimex thực hiện thí điểm tại Công ty mẹ Tập đoàn và ba công ty thành viên (khoảng 292 cửa hàng KDXD) có khối lượng khách hàng lớn và đại diện cho các vùng miền mà Petrolimex đang tổ chức hoạt động kinh doanh. Đầu năm 2018, Tập đoàn tiếp tục triển khai ở 18 công ty thành viên khác và giai đoạn 3 thực hiện ở các công ty còn lại.

Tuy nhiên, việc thí điểm chuyển từ hình thức in hóa đơn sang HĐĐT có những khó khăn nhất định. Đầu tiên là việc Petrolimex phải tốn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, giải pháp để triển khai. Chủ trương này đòi hỏi cả việc kết nối thông tin cột bơm xăng dầu tại các cửa hàng trong hệ thống Petrolimex với Cổng thông tin xăng dầu. Các cột bơm đầu tư phải đạt chuẩn nhất định mới có thể kết nối các thông tin từ cột bơm vào hệ thống quản lý của DN thông qua giải pháp tự động hóa.

Nhìn nhận ở khía cạnh hiệu quả kinh tế, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch và thương mại Sông Hồng Lê Công Hoàng khẳng định, việc sử dụng HĐĐT và cung cấp chứng từ bán lẻ xăng dầu cho khách hàng rất thông dụng, phổ biến, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại đang trong giai đoạn phát triển từng bước. Trước thói quen sử dụng tiền mặt thuần túy, ít đơn vị áp dụng phần mềm công nghệ hiện đại khiến hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Trước kia Tổng công ty đã đầu tư hàng loạt thiết bị hiện đại, đắt tiền nhưng không thể áp dụng, đành phải bỏ.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, việc dùng HĐĐT phù hợp với sự phát triển của xã hội. Thế nhưng, chúng ta có thói quen dùng tiền mặt cho nên khi mua bán, phần lớn không đòi hỏi hóa đơn, chứng từ. Do đó, thực hiện chủ trương này là một thách thức không nhỏ. Muốn làm được phải có sự đầu tư về trang thiết bị hiện đại, sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý mới có thể thực hiện được. Còn việc bảo đảm chất lượng xăng dầu lại là vấn đề khác. Các DN và cơ quan chủ quản phải tăng cường kiểm soát và xử lý vi phạm mới bảo đảm quyền, lợi ích của người tiêu dùng.

Chủ trương dùng HĐĐT chỉ có thể khả thi khi có quy định pháp lý yêu cầu tất cả các DN KDXD triển khai đồng bộ. Việc sử dụng HĐĐT trong KDXD cũng cần sự đồng thuận từ DN, người mua và cả các cơ quan quản lý. Việc phát hành HĐĐT chỉ có thể thực hiện được khi nhập liệu đầy đủ thông tin cơ bản theo quy định của Nhà nước về việc quản lý, sử dụng hóa đơn. Trong khi đó, phần lớn các chủ phương tiện xe máy mua xăng dầu với giao dịch nhỏ thường không có nhu cầu lấy hóa đơn hoặc nếu tất cả khách hàng xe máy yêu cầu lấy hóa đơn thì DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi số lượng giao dịch quá lớn.

Nguồn tin: Nhandan.com.vn

ĐỌC THÊM