Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khó chấp nhận việc giá nhớt không giảm

Giá dầu thô hiện đã giảm tới 70% so với hồi cao điểm lên mức gần 140 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu nhờn bán trên thị trường đến thời điểm này vẫn không giảm. Tại cửa hàng sửa xe Châu, đường D3, P25, Q. Bình Thạnh, giá nhớt của một số thương hiệu nước ngoài dao động từ 55.000 - 66.000 đồng/bình/lít, các loại nhớt trong nước sản xuất bình quân từ 35.000 - 48.000 đồng/bình/lít. Đại diện cửa hàng này thừa nhận, giá xăng đã giảm mạnh từ nhiều tháng qua nhưng đối với mặt hàng nhớt chúng tôi chưa nhận được thông báo giảm giá của bất cứ nhãn hàng nào.
 
Lý giải về vấn đề này, một số DN cho rằng, nhớt được chế biến từ dầu gốc (cũng là một sản phẩm của dầu thô). Trong khi đó, dầu gốc không liên quan trực tiếp đến dầu thô. Điều này đồng nghĩa, giá dầu thô giảm không có nghĩa là giá dầu gốc sẽ giảm theo. Trong trường hợp dầu gốc giảm giá thì cũng cần có độ trễ nhất định. Đại diện một DN chuyên nhập khẩu nhớt từ Đức cung cấp cho ngành dệt may nói rằng, ông rất khổ sở vì phải chịu nhiều áp lực từ các bạn hàng trong nước vì sao giá nhớt không giảm? “Để xoa dịu các đối tác, tôi chỉ có thể nói rằng hiện nay giá mặt hàng dầu nhớt đang bị khống chế bởi một số đại gia. Họ không chịu giảm giá thì biết làm sao trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm này là rất lớn” – DN này nói.
 
Tổng giám đốc một DN xăng dầu cũng thừa nhận, nhớt cũng giống như mặt hàng gas chúng ta đã thả nổi theo giá thế giới từ khá lâu. Chỉ có điều đến nay nhà nước vẫn quản lý được giá gas nhập khẩu cũng như công thức tính giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, trong khi giá dầu gốc thì lại không!
 
Được biết, tại khu vực phía Nam có khoảng hơn 30 DN nhập khẩu dầu gốc về pha trộn. Theo đó, hầu hết các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Exxon Mobil, Castrol, BP, Total, Shell… đều đã có mặt tại VN và chiếm tới gần 80% thị phần tại các thành phố lớn. Các DN trong nước xuất hiện khá khiêm tốn về thị phần trong khi giá bán chỉ bằng 2/3 so với nhãn hàng nước ngoài.
 
Trở lại với giá nhớt, nhiều ý kiến cho rằng, cho dù giá dầu gốc luôn đi “lệch pha” với giá dầu thô nhưng đến thời điểm này mặt hàng nhớt vẫn không giảm giá là có vấn đề. Để giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, theo hướng giám sát giá dầu gốc nhập khẩu và yêu cầu các DN công bố công thức pha chế từ đó tính ra giá thành sản phẩm. Không có lý do gì, giá dầu gốc trên thế giới đã giảm khá mạnh, nhưng người dân vẫn phải mua hàng với giá cao ngất ngưởng và ngang bằng với thời điểm giá dầu thô ngấp nghé ở mức 140 USD/thùng. Điều này rất khó chấp nhận.
 
 
(Sài gòn giải phóng)

ĐỌC THÊM