Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Khách hàng bị “móc túi” ở khắp nơi

Kết quả thanh tra các cơ sở kinh doanh xăng, dầu, gas toàn quốc vừa được công bố hôm 26/12 cho thấy, các thủ đoạn móc túi khách hàng ở ba mặt hàng này vẫn tiếp diễn và ngày càng tinh vi.
 
Móc túi khách hàng bằng thủ đoạn tinh vi

Chíp điện tử được sử dụng để đong thiếu xăng

Vô số các hình thức móc túi khách hàng được phát hiện với thủ đoạn được đánh giá là tinh vi hơn các năm trước, chính vì vậy “khó giám sát và phát hiện hơn”.
 
Chánh Thanh tra Bộ KHCN Trần Minh Dũng cho biết, trong số hơn 3.890 cơ sở xăng dầu được thanh tra có 643 cơ sở vi phạm.
 
Tại những cơ sở này, đa số các phương tiện đo chưa được kiểm định, hoặc quá thời hạn kiểm định. Nhiều cơ sở tự ý phá niêm phong chì để hiệu chỉnh phương tiện đo theo hướng có lợi cho người bán với mức sai số quá lớn.
 
Đặc biệt, tại Nghệ An, Gia Lai đã phát hiện 16 cơ sở gắn thêm bảng mạch điện tử gây sai số lên tới 9,3%. Tại Đăk Lăk đoàn kiểm tra đã phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu gian lận bằng cách sử dụng IC với mã số bí mật cài đặt để có thể điều khiển lượng hàng qua bàn phím hoặc cột bơm bằng cách đóng ngắt công tắc điện gây sai số lên tới 5,6%.
 
Ngoài ra, nhiều cơ sở đã tự ý pha loại xăng có trị số ốctan thấp như M83 với xăng có trị số ốctan cao hơn như M92, M95 nhưng vẫn niêm yết bán với giá của M92, M95.
 
Đối với lĩnh vực kinh doanh gas, 24,4% số lượng cơ sở được thanh tra đã cố tình bơm thiếu, hoặc cho nước vào bình gas để ăn bớt của khách hàng. Tình trạng bình gas đã quá hạn hoặc không đủ tiêu chuẩn đưa vào lưu thông rất phổ biến.
 
Nhận định về tình trạng vi phạm đo lường chất lượng của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trong năm 2008, ông Dũng cho rằng so với 2003, tỷ lệ vi phạm đang có xu hướng giảm dần. (Năm 2003 tỷ lệ vi phạm đo lường chất lượng là 28,3%, năm 2008 là 17%). Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận hình thức, hành vi gian lận của các cơ sở này ngày một tinh vi, phức tạp hơn, do vậy, khó giám sát và phát hiện hơn.
 
Cần truy thu lợi nhuận từ hình thức gian lận
 
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Hồ Tất Thắng kiến nghị Nhà nước ban hành chế tài truy thu tất cả khoản lợi nhuận từ các hành vi gian lận và dùng số tiền này vào việc tăng cường năng lực cho công tác thanh kiểm tra.
Cũng theo ông Thắng, số tiền xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng trong đợt thanh tra vừa rồi là quá nhẹ, không đủ mức răn đe. Tính ra, trung bình mỗi cơ sở chỉ bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Con số này quá nhỏ so với lợi nhuận hàng tỷ đồng thu được từ các hành vi gian lận.
 
Xăng dầu, gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, Bộ Công Thương mới ban hành các tiêu chí cấp phép mà chưa ban hành tiêu chí rút giấy phép đối với những cơ sở vi phạm.
 
Ông Thắng cho rằng Bộ Công Thương nên ban hành các điều kiện về tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, và cả tiêu chuẩn về đạo đức kinh doanh đối với những cơ sở kinh doanh loại hàng hóa khó kiểm soát và dễ gây cháy nổ như xăng dầu, gas.
 
Ông cũng kiến nghị Bộ KHCN công bố rộng rãi các dấu hiệu nhận biết các hành vi gian lận, những cây xăng ăn bớt, kém chất lượng để người tiêu dùng có thể phát hiện và tránh xa những cơ sở kinh doanh gian lận đó.
Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Quốc Thắng khẳng định, sắp tới Bộ sẽ đề nghị sửa đổi Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa, sản phẩm.
 
Theo đó, đưa những hành vi vi phạm, các thủ đoạn gian lận mới được phát hiện trên vào Nghị định sửa đổi để có chế tài xử phạt thật nghiêm minh; đồng thời bổ sung quy định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi gian lận về đo lường và chất lượng.
 
Bộ KHCN cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiên quyết rút giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với những cơ sở bị phát hiện lắp thêm chip, thay đổi IC. Một đường dây nóng tại 61 tỉnh thành phố đến các Sở KHCN sẽ được thiết lập để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng, đồng thời có kế hoạch bố trí lực lượng để tổ chức thanh tra đột xuất khi có phản ánh của người tiêu dùng. Như vậy sẽ tránh được tình trạng cơ sở kinh doanh đã kịp tháo các thiết bị gian lận trước khi đoàn thanh tra đến.

Vừa qua, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) đã tổ chức 10 đoàn thanh tra 4.441 cơ sở, trong đó 3.890 cơ sở xăng dầu và 636 cơ sở kinh doanh gas ở nhiều tỉnh, thành phố.
Sau 4 tháng triển khai, thanh tra Bộ cùng với các sở KHCN 64 tỉnh thành đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính về đo lường chất lượng xăng dầu, gas đối với 797 cơ sở- chiểm tỷ lệ 17,9% số cơ sở được thanh tra với tổng mức tiền phạt là 3.818 tỷ đồng. Trong đó có 643 cơ sở kinh doanh xăng dầu và 154 cơ sở kinh doanh gas đã vi phạm về đo lường và chất lượng.

(Tiền phong

ĐỌC THÊM