Trong nửa đầu năm nay, tiêu thụ xăng sinh học E5 RON92 ghi nhận tín hiệu khả quan, nguồn cung được khẳng định đảm bảo, tuy nhiên vẫn còn những nghi ngại về chất lượng. Để thúc đẩy tiêu thụ, Bộ Công Thương xác định, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cá nhân, DN về sử dụng nhiên liệu sinh học là giải pháp được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Tiêu thụ tăng hơn 30%
Theo báo cáo mới nhất của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Trong nửa đầu năm nay, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa trên địa bàn cả nước đạt khoảng 4,43 triệu m3. Trong đó, xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 40,18%; xăng RON95 đạt khoảng 2,65 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 59,82%. So với 6 tháng đầu năm 2017, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đã tăng khoảng 31,18% (năm 2017, xăng E5 RON92 chỉ tiêu thụ được khoảng 9% tổng lượng xăng các loại).
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường:
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Kế hoạch thông tin, tuyên truyền khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học 2018 bằng hình thức truyền thông phong phú, đa dạng hơn, phù hợp với trình độ dân trí của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, DN và cộng đồng xã hội về việc sử dụng nhiên liệu sinh học, góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường...
Một số DN đầu mối có tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 RON92 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ trong nửa đầu năm được "điểm danh" là: Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đạt khoảng 62,53%; Tổng công ty Dầu Việt Nam đạt khoảng 50,15%; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt khoảng 47,70% và Công ty TNHH Hải Linh đạt khoảng 42,62%.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá: Mức tăng trưởng tiêu thụ xăng E5 RON92 trong 6 tháng đầu năm khi triển khai kinh doanh đại trà trên toàn quốc như trên cho thấy tín hiệu khả quan về sức tiêu thụ xăng E5 RON92.
Liên quan tới công tác đảm bảo nguồn cung nguyên, nhiên liệu Etanol (E100) để phối trộn xăng E5 RON92, ông An cho biết: Tại thị trường trong nước, hiện chỉ có Công ty TNHH Tùng Lâm là nhà cung cấp E100 cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu để phối trộn xăng E5 RON92 (thông qua 2 nhà máy sản xuất E100 của Công ty đặt tại Đồng Nai và Quảng Nam với tổng công suất sản xuất 200.000 m3/năm). Bên cạnh đó, nhà máy E100 Bình Phước (công suất 100.000 m3/năm) và nhà máy E100 Dung Quất (công suất 100.000 m3/năm) đang tính toán phương án khởi động trở lại. Ngoài nguồn cung trong nước, một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng đã NK để chủ động nguồn E100 phục vụ phối trộn xăng E5 RON92. "Như vậy, nguồn cung E100 phục vụ phối trộn xăng E5 RON92 nhìn chung được bảo đảm", ông An nói.
Vẫn ngại ngần chất lượng
Dù cơ quan quản lý nhà nước khẳng định tiêu thụ xăng sinh học E5 RON92 đang có những tín hiệu khả quan, song khảo sát của phóng viên Báo Hải quan cho thấy, nhiều người dùng vẫn khá dè dặt với loại xăng này.
Anh Nguyễn Đức Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Anh Phong thường xuyên sử dụng xe ô tô hãng Ford để di chuyển với quãng đường đi lại khoảng 20km mỗi ngày. Tuy nhiên, anh Phong chưa bao giờ sử dụng xăng E5 RON92. Lý do mà anh Phong đưa ra chủ yếu bởi nhà sản xuất khuyến cáo người dùng không nên sử dụng dòng xăng này cho xe.
Bên cạnh khuyến cáo của nhà sản xuất, nhiều người tiêu dùng dù đã từng sử dụng, song đến nay vẫn quyết định "tạm biệt" xăng E5 RON92 bởi nghi ngại về chất lượng. Anh Nguyễn Văn Nam (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Hiện nay, anh Nam đang dùng xe ô tô Kia Carens và xe máy Liberty. "Với ô tô, trong hướng dẫn sử dụng đã ghi trên nắp bình xăng là xăng A95 hoặc A98. Bởi vậy, rất ít người đi ô tô sử dụng xăng E5 RON92. Còn với xe máy, vài lần tôi đã thử sử dụng xăng E5 RON92 nhưng xe đều bị sặc ga hoặc chết máy. Thậm chí, nếu xe máy để lâu không đi, xăng còn đóng cặn. Khi sử dụng lại, người dùng phải mua thêm dụng cụ lọc dầu. Hiện nay, tôi quyết định hoàn toàn không sử dụng xăng E5 RON92", anh Nam nói.
Trước câu hỏi, chất lượng E100, E5 RON92 được đảm bảo như thế nào, ông Nguyễn Lộc An viện dẫn: Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP nêu rõ: “Chỉ được phép lưu thông xăng dầu trên thị trường Việt Nam có chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng”.
Tại Thông báo số 255/TB-VPCP ngày 6/6/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhiên liệu sinh học khi cần thiết, xây dựng kế hoạch kiểm tra, quản lý thiết bị đo lường và chất lượng nhiên liệu sinh học trong NK, sản xuất, lưu thông trên thị trường.
Đứng ở góc độ DN duy nhất cung ứng E100 trong nước, ông Vũ Kiên Chỉnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm khẳng định: Chất lượng cồn E100 trong nước rất tốt. Trước đây, khi tiêu thụ nội địa khó khăn, DN đã XK E100 sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để tồn tại. "Công ty Tùng Lâm đã cung cấp cồn E100 cho các DN đầu mối xăng dầu lớn ở Việt Nam pha chế từ năm 2011, đến nay chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào khiếu nại liên quan đến chất lượng. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, chất lượng cồn E100 và xăng E5 RON92 khác nhau. Cồn E100 chỉ chiếm 5% trong xăng E5 RON92, còn lại 95% là xăng khoáng A92. Vì vậy, chất lượng, giá cả xăng E5 RON92 phụ thuộc vào xăng khoáng A92. Việc pha thêm 5% cồn E100 vào xăng khoáng giúp giảm khí thải, góp phần bảo vệ môi trường".
Nguồn tin: cafef.vn