Tại Canada, xu hướng năng lượng tái tạo có thể thúc đẩy ngành công nghiệp dầu khí, với tiềm năng năng lượng địa nhiệt giúp cát dầu phát triển mạnh trong 30 năm nữa. Các nghiên cứu khả thi đang thực hiện có thể mang lại một giải pháp để Canada giảm lượng khí thải carbon phù hợp với Thỏa thuận Paris và kỳ vọng của COP26 mà không làm hạn chế sản lượng dầu của nước này.
Liên minh đổi mới cát dầu của Canada (COSIA) đã hợp tác với Eavor Technologies Inc. và C-FER Technologies để tiến hành đánh giá về tiềm năng sử dụng năng lượng địa nhiệt thay vì khí tự nhiên để đun nóng nước cho việc khai thác mỏ, dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2022. Dự án được hình thành nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính trong khai thác dầu trong khi nhu cầu đối với năng lượng hóa thạch này vẫn còn cao.
Đây có thể là những gì ngành công nghiệp dầu mỏ Canada cần tới, vì cát dầu thường đòi hỏi năng lượng lớn hơn trong quá trình khai thác do tính chất nhớt của chất này, thường dẫn đến việc giải phóng lượng khí nhà kính cao hơn. Phương pháp trích xuất khó khăn có nghĩa là việc khai thác thường tạo ra lượng khí thải CO2 trên mỗi thùng dầu tương đương gấp 3-5 lần so với các loại dầu thô khác.
C-FER Technologies và COSIA trước đây đã thực hiện đánh giá với kết quả đầy hứa hẹn, hy vọng nghiên cứu thứ hai sẽ mở rộng dự án lên quy mô thương mại. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy có thể sử dụng Hệ thống địa nhiệt nâng cao (EGS), thông qua Eavor-Loop ™ của C-FER, trong khai thác cát dầu. Công nghệ thu nhiệt từ bên dưới bề mặt trái đất bằng cách sử dụng bộ trao đổi nhiệt sâu dưới bề mặt hoặc bộ tản nhiệt. C-FER tin rằng nó mang lại tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính xuống 60 kilo tấn CO2 trong chu kỳ dự án kéo dài ba thập kỷ.
Robert Mugo, Giám đốc Khí nhà kính tại COSIA, phát biểu về dự án, “đây là một bước tiến thú vị trong việc ứng dụng tiềm năng của giải pháp năng lượng sạch này và là một trong một số con đường đổi mới mà COSIA và các thành viên đang theo đuổi nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững của cát dầu thông qua việc cắt giảm lượng khí thải".
Tuy nhiên, đây không phải là bước đột phá đầu tiên của Canada với năng lượng địa nhiệt, từ lâu đã thảo luận về tiềm năng chuyển giao kiến thức và chuyên môn từ ngành dầu khí để phát triển năng lượng địa nhiệt trên khắp Canada. Có khoảng 100.000 cơ sở sưởi ấm và làm mát bằng địa nhiệt nông, sử dụng nhiệt từ vài mét dưới lòng đất, trên khắp Canada. Tuy nhiên, cho đến nay việc sử dụng công nghệ này còn hạn chế do chi phí lắp đặt cao, khoảng 20.000 USD cho mỗi hộ gia đình. Với sự dễ dàng sẵn có và chi phí hợp lý của các giải pháp thay thế sưởi ấm bằng khí đốt, rất ít người tiêu dùng đã đầu tư. Tuy nhiên, với việc giá dầu và khí đốt tăng cao và khả năng sản xuất giảm đáng kể trong vài thập kỷ tới, điều đó có thể khuyến khích sự đón nhận nhiều hơn dành cho các công nghệ địa nhiệt. Sau áp lực ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế trong việc giảm lượng khí thải carbon, cũng như thất vọng từ việc một số dự án đường ống và dầu bị hủy bỏ với Mỹ do lo ngại về biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp dầu mỏ của Canada cuối cùng dường như đang hướng tới các công ty năng lượng tái tạo để tiến tới phương thức sản xuất bền vững nhiều hơn.
Giá dầu và khí đốt tăng cao trong những tháng gần đây đã khuyến khích người tiêu dùng hướng tới các giải pháp thay thế tái tạo, khi các chính phủ trên thế giới tung ra gói trợ cấp cho những công ty muốn chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Điều này mang đến cho các công ty dầu mỏ của Canada một cơ hội mà lâu nay bị bỏ qua, tiềm năng kết hợp năng lượng tái tạo vào sản xuất dầu khí.
Mike Freeborn, giám đốc điều hành của nhóm năng lượng, cơ sở hạ tầng và chuyển đổi của Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada giải thích, “Thật kỳ lạ, mức giá cao hơn này thực sự đã làm cho rất nhiều khách hàng của chúng tôi theo đuổi một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi này nhanh hơn so với nếu như không có nó. "
Nhu cầu dầu và khí đốt đang tăng lên, vì chúng ta đang chứng kiến tình trạng thiếu hụt ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu, buộc các quốc gia sản xuất dầu trên thế giới phải tăng cường khai thác vào thời điểm sức ép ngày càng lớn về việc cắt giảm phát thải và rời xa nhiên liệu hóa thạch. Ngày càng có nhiều sự quan tâm đến công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, khi Pembina Pipeline Corp. và TC Energy Corp. công bố kế hoạch sử dụng mạng lưới đường ống của họ để vận chuyển và lưu trữ khoảng 20 triệu tấn CO2 hàng năm. Nhưng hiện nay các công ty dầu mỏ đang tìm kiếm các giải pháp mới nhằm giảm thiểu lượng khí nhà kính trong các phương pháp khai thác của họ, để có thể tiếp tục bơm dầu lâu hơn.
Ngoài việc hỗ trợ cho sự kéo dài của ngành dầu khí, việc hợp nhất công nghệ năng lượng tái tạo với các phương pháp sản xuất nhiên liệu hóa thạch có thể nâng cao cơ hội đào tạo, mang lại cho những người trong ngành này triển vọng việc làm khi thế giới đang trải qua quá trình chuyển đổi năng lượng không thể tránh khỏi.
Liệu điều này có đánh dấu sự bùng nổ năng lượng địa nhiệt ở Canada, khi các công ty năng lượng tái tạo cuối cùng dường như đã có các công ty dầu mỏ trong nước đứng về phía họ? Khi chi phí dầu và khí đốt tăng cùng với nhu cầu, và áp lực quốc tế về việc hạn chế sản xuất nhiên liệu hóa thạch gia tăng, thì việc đầu tư vào các phương pháp sản xuất bằng năng lượng địa nhiệt có khả năng kéo dài tuổi thọ của ngành công nghiệp dầu mỏ Canada.
Nguồn tin: xangdau.net