Theo Điện Kremlin, việc tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng các quốc gia “không thân thiện” phải trả bằng đồng rúp cho khí đốt tự nhiên chỉ là bước khởi đầu trong chính sách xuất khẩu của Nga, điều đó sẽ khiến ít đôla Mỹ hơn được sử dụng trong các giao dịch mua bán hàng hóa, đặc biệt là năng lượng.
Nga đã đưa ra hạn chót là ngày 31 tháng 3 để các quốc gia mà họ coi là “thù địch” - bao gồm Hoa Kỳ, tất cả các nước thành viên EU, Thụy Sĩ, Canada, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác - bắt đầu thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn tiếp tục nhận được khí đốt tự nhiên của Nga qua đường ống vào thứ Sáu, ngay cả sau khi Putin đe dọa các nước châu Âu rằng Moscow sẽ cắt các dòng khí đốt trừ khi người mua tuân thủ yêu cầu chỉ thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga.
Trong suốt tuần trước, Điện Kremlin đã đưa ra những thông điệp không rõ ràng - và đôi khi trái ngược nhau - trong khi các nền kinh tế châu Âu bắt đầu kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp đề phòng khả năng nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Đức và Italia - hai nền kinh tế lớn của châu Âu và các nhà nhập khẩu khí đốt lớn của Nga - cho biết vào tuần trước rằng họ đã nhận được sự đảm bảo từ Nga rằng có thể tiếp tục thanh toán bằng euro cho khí đốt đến từ Nga.
Nga đã không cắt ngay nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, một phần vì nước này phụ thuộc vào nguồn thu từ khí đốt và một phần vì các khoản thanh toán cho khí đốt giao sau ngày 1 tháng 4 phải tới cuối tháng này hoặc đầu tháng 5 mới đến hạn.
Việc tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu đã làm giảm bớt lo ngại rằng châu Âu sẽ bị cắt nguồn khí đốt của Nga, nhưng những lo ngại đó có thể gia tăng trở lại vào cuối tháng này và vào tháng 5 khi các khoản thanh toán cho Moscow đến hạn.
Về phần mình, Điện Kremlin phát tín hiệu yêu cầu về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp chỉ là bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi sang đồng tiền Nga cho các mặt hàng xuất khẩu của nước này.
“Đó là nguyên mẫu của hệ thống”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuối tuần qua trên kênh truyền hình nhà nước Nga, đề cập đến kế hoạch thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
"Tôi không nghi ngờ gì về việc nó sẽ được mở rộng sang các nhóm hàng hóa mới", Reuters dẫn lời Peskov nói. Người phát ngôn của Điện Kremlin không đưa ra bất kỳ mốc thời gian nào cho việc kéo dài thời gian thanh toán bằng đồng rúp cho các mặt hàng xuất khẩu khác.
Tuần trước, Điện Kremlin đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể lên ý tưởng định giá tất cả các mặt hàng năng lượng và hàng hóa xuất khẩu của Nga bằng đồng rúp.
Cuối tuần qua, Peskov cho biết Moscow đang tìm kiếm một hệ thống toàn cầu mới mà không có đồng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ thống trị.
“Rõ ràng là - ngay cả khi đây là một viễn cảnh xa vời - rằng chúng ta sẽ tiến tới một hệ thống mới nào đó - khác với hệ thống Bretton Woods,” Peskov nói.
Các nhà phân tích nói với CBC News và tờ Associated Press, yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga là vượt ra ngoài phạm vi kinh tế.
Stefan Meister, người đứng đầu chương trình về trật tự quốc tế và dân chủ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, nói với tờ Associated Press, thông qua việc yêu cầu trả bằng đồng rúp cho khí đốt tự nhiên, Nga muốn ghi điểm cho “một loại chiến thắng chính trị”.
Meister nói với AP: “Nga muốn chứng tỏ rằng Putin ra điều kiện cho khí đốt mà nước này xuất khẩu”.
Các nhà phân tích cũng cho biết việc thanh toán bằng đồng rúp cũng có thể gửi một thông điệp ở Nga rằng đồng rúp đang tăng giá và cuộc chiến của Putin ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lưu ý, từ quan điểm kinh tế, việc thanh toán bằng đồng rúp là kỳ lạ.
“Trong hoàn cảnh bình thường, một quốc gia đang cố gắng nâng cao giá trị đồng tiền của mình và duy trì nhập khẩu từ nước ngoài sẽ tìm kiếm các khoản thanh toán bằng những đồng tiền mạnh như đôla và euro hơn là tiền tệ của chính mình,” Eswar Prasad, Giáo sư cấp cao về Chính sách Thương mại của Tolani và Giáo sư về kinh tế học tại Đại học Cornell, nói với CBC News.
Theo Prasad và các chuyên gia khác, có thể Nga đang sử dụng yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp như một cách nhằm lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nguồn tin: xangdau.net