Các quan chức nói với tờ Financial Times hôm thứ Sáu khi các Bộ trưởng năng lượng EU chuẩn bị cho cuộc họp khẩn cấp vào cùng ngày để thảo luận về các biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với người tiêu dùng, ít nhất 10 quốc gia thành viên EU, trong đó có Italia, Hy Lạp, Ba Lan, phản đối việc khối áp giá trần cho khí đốt của Nga do lo ngại Putin có thể trả đũa việc này bằng cách dừng hoàn toàn nguồn cung tới toàn bộ Châu Âu.
Đầu tuần trước, Ủy ban châu Âu cho biết họ đề xuất mục tiêu bắt buộc đối với EU là cắt giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm, giới hạn doanh thu đối với các công ty sản xuất điện và các công ty nhiên liệu hóa thạch, và giới hạn giá khí đốt của Nga như những biện pháp tức thời để cứu thị trường khí đốt và điện châu Âu cũng như trợ giúp những người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
“Chúng tôi sẽ đề xuất giới hạn giá khí đốt của Nga. Mục tiêu ở đây là rất rõ ràng. Chúng ta phải cắt giảm nguồn thu của Nga mà Putin sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến tàn khốc này chống lại Ukraine”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm thứ Tư.
Trả lời với tờ Financial Times về kế hoạch giới hạn giá khí đốt của Nga, Nikos Tsafos, cố vấn năng lượng chính của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, cho biết: “Thật lòng mà nói, Nga có thể sẽ trả đũa việc này”.
Về phần mình, Italia muốn đưa ra một giới hạn chung đối với tất cả các loại khí đốt, Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng Roberto Cingolani nước này nói với FT.
Theo nhật báo La Stampa của Ý, Hà Lan và các nước thành viên phía đông EU phản đối đề xuất của bà von der Leyen về việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là thành viên EU bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đường ống Nord Stream hiện đã đóng cửa cũng không ủng hộ kế hoạch này, La Stampa lưu ý.
Hôm thứ Tư, Vladimir Putin đe dọa châu Âu rằng Nga sẽ ngừng cung cấp tất cả các sản phẩm năng lượng tới khối này nếu EU và các đồng minh phương Tây áp đặt giới hạn giá đối với dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
Nguồn tin: xangdau.net