Còn vài ngày nữa là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu của Iran quay trở lại, không chỉ có xuất khẩu dầu thô của Iran mà Hoa Kỳ mong muốn cắt giảm.
Iraq, nước láng giềng của Iran hiện đang vận chuyển bằng xe tải một lượng dầu thô nhỏ từ mỏ dầu Kirkuk ở phía bắc Iraq tới Iran, đổi lại Tehran sẽ cung cấp một lượng dầu tương đương của mình tới các cảng phía nam Iraq.
Vào tháng 11, Iraq sẽ ngừng vận chuyển dầu sang Iran để tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, năm nguồn tin biết rõ về kế hoạch xuất khẩu dầu của Iraq cho Reuters biết vào tuần trước.
Mặc dù khối lượng xuất khẩu hiện tại của Iraq đến Iran là khá thấp – chưa tới 30.000 thùng/ngày, theo nguồn tin Reuters – nhưng động thái này cho thấy rằng Iraq sẽ không liều lĩnh với sự phẫn nộ của đồng minh mà đảm bảo an ninh và huấn luyện cho nước này.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã và đang đặt Iraq vào một tình thế khó khăn — một mặt, việc giao thương của Baghdad gắn liền với nước láng giềng Iran, nhưng mặt khác, Hoa Kỳ là một đồng minh giúp đảm bảo an ninh.
Baghdad đã tuyên bố rằng sẽ tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Cả cựu thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và người mới tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Adel Abdul Mahdi đều nói rằng ngay cả khi họ không hài lòng với các biện pháp trừng phạt, họ cũng vẫn sẽ tuân thủ. Mahdi, người đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng hôm thứ Năm tuần trước, nói rằng Iraq sẽ ưu tiên lợi ích riêng của mình trong việc giúp Hoa Kỳ thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Theo một nguồn tin của Reuters biết rõ kế hoạch xuất khẩu của Iraq, Hoa Kỳ đã và đang gây áp lực cho Iraq để ngừng việc vận chuyển dầu bằng xe tải tới Iran và sẽ khôi phục xuất khẩu dầu từ các mỏ dầu phía bắc sang Thổ Nhĩ Kỳ.
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận được nhiều dầu hơn từ Iraq, sẽ khó khăn hơn cho Ankara để lập luận rằng nó cần quyền miễn trừ của Hoa Kỳ để tiếp tục mua dầu của Iran", nguồn tin nói với Reuters.
Khoảng 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày trước đây được sản xuất và xuất khẩu ở tỉnh Kirkuk đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ngưng lại kể từ khi chính phủ liên bang Iraq tiếp quản hồi tháng 10 năm ngoái để kiểm soát các mỏ dầu ở Kirkuk từ lực lượng người Kurd.
Chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) đã đạt được thỏa thuận với chính phủ liên bang Iraq hồi tháng trước để tiếp tục việc vận chuyển này, nhưng thỏa thuận này cần phải được phê duyệt và ký bởi thủ tướng và chính phủ mới, theo các nguồn tin Reuters.
Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nói rằng chỉ riêng Iraq có thể bổ sung thêm 300.000 thùng dầu/ngày vào nguồn cung toàn cầu nếu nó cho phép dầu của người Kurd tiếp cận thị trường quốc tế. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không bán dầu thô từ Kho Dự trữ Dầu khí Chiến lược (SPR), Bộ trưởng Perry cũng lưu ý rằng ông cảm thấy “thoải mái khi nguồn cung thế giới có thể hấp thụ các biện pháp trừng phạt đang đến”.
Trong khi đó, một tuần trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ quay trở lại, Cộng hòa Hồi giáo Iran tiếp tục tuyên bố rằng không có quốc gia nào có "biện pháp để ngăn chặn Tehran xuất khẩu dầu thô."
“Các biện pháp trừng phạt, thay vì làm hại chúng tôi, sẽ gây thiệt hại cho Hoa Kỳ; các chính sách của Trump đã làm tăng giá dầu toàn cầu mà không làm tăng tổn thất chúng tôi, và chúng tôi đã có thể tìm được khách hàng mới cho dầu của mình, ”Gholamali Jafarzadeh, một thành viên của quốc hội Iran cho biết, hãng tin Shana đưa tin hôm Chủ nhật.
Iran cũng cho biết họ đã bắt đầu bán dầu thô cuối tuần qua trên sàn giao dịch năng lượng, với 8 lô dầu thô gồm 35.000 thùng đã được mua ở mức giá 74,85 USD/thùng hôm Chủ Nhật.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô và condensate của Iran đã và đang giảm kể từ tháng Sáu, EIA cho biết tuần trước, trích dẫn dữ liệu từ ClipperData. Xuất khẩu của Iran đạt mức cao nhất trong tháng 6 với khoảng 2,7 triệu thùng/ngày, tăng 300.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong bốn tháng đầu năm, trước khi có tuyên bố lệnh trừng phạt của Mỹ vào tháng Năm. Xuất khẩu dầu thô và condensate của Iran giảm xuống còn 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng Chín.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết vào đầu tháng này rằng càng khó khăn hơn cho các khách hàng mua dầu Iran để nhận được sự miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt so với dưới thời chính quyền Obama, và Mỹ sẽ cấp quyền miễn trừ, nếu có, chỉ cho những nước đã giảm đáng kể lượng dầu mua từ Iran.
Thị trường dầu đang vật lộn với hai bất ổn chính liên quan đến lệnh trừng phạt Iran - bao nhiêu dầu sẽ rời khỏi thị trường và việc theo dõi xuất khẩu dầu trong thời gian tới sẽ đáng tin cậy ra sao, lưu ý rằng Iran được cho là đã dùng đến thủ thuật lén lút để tránh việc theo dõi tàu chở dầu bằng cách tắt bộ thu phát trên tàu của một số tàu.
Nguồn tin: xangdau.net