Một cơ sở dầu mỏ của Iraq (Ảnh: AP)
“Chúng tôi mong muốn các công ty khai thác dầu khí của Nga sẽ tăng cường, mở rộng hoạt động, điều đó sẽ giúp thúc đẩy ngành dầu khí của Iraq phát triển”, Thứ trưởng Mayad Salih cho biết.
Hiện nay, một công ty của Nga đang bắt đầu phát triển lĩnh vực khai thác dầu khí tại thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, Iraq. “Chúng tôi hy vọng rằng, việc khai thác dầu khí tại đây sẽ đạt doanh thu 45 tỷ USD vào năm 2030”, ông Salih nhấn mạnh.
Tổng thống Iraq Barham Salih trước đó đề nghị Nga tham gia tái thiết đất nước. Nhà lãnh đạo Iraq kêu gọi Nga tham gia vào công cuộc tái thiết Iraq và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng dầu khí.
“Lãnh đạo tối cao Barham Salih đã kêu gọi phía Nga tham gia hiệu quả vào việc tái thiết Iraq và đầu tư vào khối dầu khí và năng lượng”, báo Sputnik dẫn thông báo của cơ quan báo chí của Tổng thống Iraq cho biết.
Các công ty khai thác dầu khí lớn của Nga có mối quan hệ kinh doanh rất chặt chẽ với các đối tác Iraq. Hiện tại, Lukoil và Gazprom Neft đang hợp tác thành công với các công ty Iraq trong khuôn khổ các dự án đang thực hiện. Gazprom Neft là nhà điều hành phát triển dự án Badra, Lukoil tham gia 2 dự án Tây Kurna 2 và Lô 10. Lukoil dự kiến đạt mức sản lượng 480.000 thùng mỗi ngày vào năm 2020 và 800.000 thùng mỗi ngày vào năm 2024.
Nền kinh tế Iraq hiện phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu thô, lĩnh vực đóng góp hơn 90% nguồn thu ngân sách của nước này, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang cần nguồn vốn đầu tư khổng lồ để tái thiết đất nước.
Iraq là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ năm thế giới và lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nước này có thể sản xuất tới 4,6 triệu thùng/ngày. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Iraq có triển vọng trở thành nước cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Baghdad đặt mục tiêu tăng sản lượng khai thác dầu từ mức hiện tại lên khoảng 8,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025.
Tuy nhiên, điểm yếu của ngành công nghiệp dầu mỏ Iraq là việc phải phụ thuộc chủ yếu vào các công ty khai thác năng lượng nước ngoài, hiện đang chiếm gần 2/3 sản lượng dầu mỏ của nước này. Sau nhiều năm chiến tranh, cơ sở hạ tầng của lĩnh vực năng lượng Iraq đã bị phá hủy đáng kể. Bên cạnh đó, nếu không có công nghệ khoan được cung cấp bởi các công ty dầu mỏ nước ngoài, gồm tập đoàn Royal Dutch Shell (Anh và Hà Lan), ExxonMobil (Mỹ) cùng các công ty năng lượng Lukoil và Rosneft (Nga), ngành dầu mỏ Iraq khó có thể tăng sản lượng lên mức hiện tại./.
Nguồn tin: cpv.org.vn