Iraq thúc giục mở một cuộc họp khẩn giữa OPEC và các thành viên ngoài OPEC bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+) để thảo luận về các biện pháp nhanh chóng nhằm giúp cân bằng thị trường dầu mỏ.
Công nhân công ty dầu Aramco làm việc tại nhà máy chế dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 17/3, Bộ trưởng dầu mỏ Iraq, ông Thamer al-Ghadhbam, đã gửi thư lên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thúc giục mở một cuộc họp khẩn giữa khối này và các thành viên ngoài OPEC bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+) để thảo luận về các biện pháp nhanh chóng nhằm giúp cân bằng thị trường dầu mỏ.
Theo bức thư trên, ông Thamer al-Ghadhban đề nghị Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo hỗ trợ "khẩn cấp tổ chức" các cuộc họp bổ sung của nhóm OPEC+ để "thảo luận tất cả các cách thức khả thi" nhằm tái cân bằng thị trường dầu mỏ và hạn chế các vấn đề tiêu cực đang xảy ra.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mà các nước thuộc OPEC+, nhóm sản xuất hơn 40% sản lượng dầu thô toàn cầu, sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2020.
Trước đó, Hội nghị cấp Bộ trưởng của OPEC+ diễn ra vào ngày 5-6/3 tại Áo đã không đạt được đồng thuận về tiếp tục cắt giảm sản lượng hay gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay.
Ba năm hợp tác giữa OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu thô khác đã chấm dứt vào ngày 6/3 sau khi Moskva từ chối cắt giảm sâu thêm sản lượng dầu thô để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Sự thất bại của cuộc họp trên đồng nghĩa những thỏa thuận về hạn chế sản lượng có thể bị loại bỏ.
Sau khi cuộc họp diễn ra, Saudi Arabia cho biết nước này sẽ mở kho dự trữ, gia tăng sản lượng cũng như đẩy hoạt động xuất khẩu dầu thô lên mức cao kỷ lục.
Một cuộc họp Ủy ban Kỹ thuật chung (JTC) giữa OPEC và các nước ngoài khối cũng đã bị hoãn do các nỗ lực làm trung gian giữa Saudi Arabia và Nga không có kết quả.
Cuộc họp này vốn được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 18/3 tại Vienna, Áo.
Trong thư nêu trên, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cũng đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp của JTC và Ủy ban Bộ trưởng OPEC+ (còn được biết là JMMC), để "tránh các tác động không mong muốn về ngắn, trung và dài hạn" cho thị trường.
Giá dầu đã giảm kể từ cuộc họp của OPEC+ nói trên. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3, giá dầu Brent giao kỳ hạn đã giảm 1,32 USD xuống mức 28,73 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent giảm xuống dưới 30 USD/thùng kể từ năm 2016./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn