Thị trường đang tin tưởng rằng việc mở rộng của OPEC gần như được đảm bảo sau khi Ả Rập Saudi và Nga tuyên bố ý định của họ để ủng hộ việc gia hạn lên chín tháng. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Khalid al-Falih đã gạt đi bất kỳ khả năng xung đột nào. "Chúng tôi nghĩ rằng mọi người đều đang đi cùng một chiếc thuyền," al-Falih phát biểu trên Bloomberg TV. "Mọi người mà tôi trao đổi đều chỉ ra rằng chín tháng là một quyết định khôn ngoan."
Các tin đồn xuất hiện rằng OPEC thậm chí có thể xem xét cắt giảm sâu hơn, có lẽ lên tới 2,5 triệu thùng mỗi ngày, gấp đôi so với mức hiện tại. Bởi vì tồn kho đã giảm chậm, nên cần có hành động tích cực hơn để đưa thị trường dầu trở lại cân bằng.
Nhưng ngay cả khi các nhà đầu cơ giá lên và chắc chắn là cả các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ - đều nói về khả năng cắt giảm mạnh hơn từ OPEC thì có ít nhất một quốc gia có thể làm phá hỏng những nỗ lực đó: Iraq. Nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC là một trong những người ký kết cuối cùng trong thỏa thuận sáu tháng ban đầu. Các quan chức Iraq đã do dự khi hợp tác với OPEC để giảm sản lượng bởi vì họ lập luận rằng do ảnh hưởng của cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa nước này với IS nên họ phải được miễn trừ, cũng giống như các vấn đề an ninh tại Nigeria và Libya đã được viện dẫn để miễn trừ hai quốc gia này.
Thêm vào đó, Iraq phản đối dữ liệu OPEC dùng để tính toán trong hạn mức sản xuất số liệu này được cho là đánh giá không đúng mức sản xuất thực tế của Iraq. Các quan chức Iraq tranh luận rằng họ bị yêu cầu cắt giảm quá sâu dựa trên số liệu này.
Mặc dù đã có thể vượt qua được những bất đồng này, nhưng Iraq lại trở thành kẻ vô kỷ luật trong thời gian thực hiện. Theo Reuters, trong quý đầu tiên, Iraq đã sản xuất nhiều hơn 80.000 thùng/ngày so với hạn mức sản xuất 4,351 triệu thùng/ngày đã cam kết. Tính đến tháng 4, Iraq vẫn vượt quá giới hạn của mình khoảng 20.000 thùng/ngày, dựa trên nguồn số liệu gián tiếp của OPEC. Hơn nữa, bởi vì thỏa thuận này là trung bình sáu tháng, nên ngay cả khi Iraq đưa sản lượng của mình xuống mức mục tiêu cho trong tháng 5 và tháng 6, thì điều đó không có nghĩa là nó sẽ đạt được sự tuân thủ - Iraq sẽ phải cắt giảm đáng kể xuống dưới mức đó để mức trung bình sáu tháng xuống một cách thích hợp. Vì vậy, có thể nói một cách chắc chắn rằng Iraq sẽ không tuân thủ được cam kết của mình.
Nhưng vấn đề này không là gì so với nhiệm vụ của al-Falih trong việc cố giữ cho Iraq cùng tham gia sắp tới đây. Lý do là Iraq có cơ sở sản xuất mới được cho là sẽ đi vào hoạt động trong quý III và IV năm 2017. Phần lớn sản lượng của Iraq bắt nguồn từ các mỏ dầu ở phía Nam nước này và quanh Basra, nơi có nhiều công ty quốc tế hoạt động, bao gồm BP, Royal Dutch Shell, ExxonMobil, Lukoil và CNPC. Sản xuất từ những mỏ dầu miền Nam này có thể thực sự tăng lên khi hoàn tất việc bảo trì của công ty và đưa ra một số dự án mới vào sản xuất. "Chúng tôi đã đạt được thành tích tuyệt vời này với 4 triệu thùng mỗi ngày vào giữa năm 2016, và bây giờ chúng tôi đã tăng lên và đang đạt khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu vào nửa cuối năm nay", Bộ trưởng dầu mỏ Iraq Jabbar Al- Luaibi phát biểu hồi tháng 3 tại hội nghị CERAWeek ở Houston.
Các bài báo xuất hiện trong tuần này nói rằng Iraq khẳng định sẽ không đồng ý với bất cứ điều gì ngoài gia hạn thêm sáu tháng, đi ngược lại lời kêu gọi của Saudi Arabia về việc gia hạn đến hết quý I năm 2018. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi al-Falih đã bay đến Baghdad để đạt được mục đích, và tới ngày 22 tháng 5, ông dường như đã thuyết phục người đồng cấp Iraq để tham gia. Vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh OPEC, giờ đây có vẻ như không còn rào cản cho việc chính thức gia hạn thêm 9 tháng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Iraq sẽ tuân thủ. Cho đến nay, nước này đã không đạt được sự tuân thủ 100%, sự thật là Ả-rập Xê-út đang sẵn sàng bỏ qua để ngăn thỏa thuận này thất bại. Quả thực, Ả-rập Xê-út đã bù vào phần của Iraq, cắt sâu hơn yêu cầu. "Đây là vấn đề của OPEC: Không có cơ chế trừng phạt," nhà phân tích dầu độc lập Anas Alhajji phát biểu với Bloomberg. "Thỏa thuận là một chuyện, việc thực hiện lại là một chuyện khác." Dữ liệu gần đây cho thấy, ngay cả khi Iraq có sẵn sàng ký thỏa thuận gia hạn kéo dài 9 tháng, thì xuất khẩu của nước này vẫn đang trên đường tiến tới lập kỷ lục cho tháng 5.
Hơn nữa, Bộ trưởng dầu Iraq từ lâu đã cảm thấy rằng họ bị đối xử bất công trong hiệp ước đầu tiên hồi tháng 11. Khi mà hai thành viên OPEC- Nigeria và Libya -được miễn trừ và Iran được phép tăng sản lượng. Trong khi đó, Iraq buộc phải cắt giảm nhiều thứ hai. Điều này, cộng với ý kiến của Bộ trưởng Dầu mỏ về việc đẩy mạnh sản xuất trong năm nay, sẽ khiến cho các nhà quan sát dầu hoài nghi về sự sẵn sàng của Iraq để giữ sản xuất phù hợp với thỏa thuận trong chín tháng tới.
Nguồn tin: xangdau.net