Giá dầu tăng vọt hôm thứ Hai sau khi lực lượng Iraq nắm giữ các mỏ dầu quanh Kirkuk, vốn được người Kurd kiểm soát từ năm 2014. Có nhiều tin tức đối lập tính đến ngày thứ Hai, nhưng nguồn cung dầu từ khu vực này có thể đã bị gián đoạn, mặc dù có lẽ chỉ là tạm thời.
Cuộc điều động quân sự của lực lượng Iraq như là sự trả đũa cho cuộc bỏ phiếu đòi độc lập của người Kurd vài tuần trước đó, một động thái bị lên án bởi Baghdad, cũng như chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cả hai nước này đều có người Kurd sinh sống. Iran đã đóng cửa biên giới, và trong những tuần gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ chặn đứng xuất khẩu dầu của người Kurd.
Cuộc tranh cãi về quyền tự trị của người Kurd ở Iraq đã diễn ra hàng thập kỷ nay, nhưng việc bỏ phiếu cho độc lập là một sự khơi mào khiến quốc gia này đang bên bờ vực của cuộc nội chiến. Có nhiều tin tức về một làn sóng dân thường chạy trốn khỏi Kirkuk sau cuộc tấn công của quân đội.
Reuters đưa tin rằng khoảng 350.000 thùng dầu được sản xuất từ mỏ Bai Hassan và Avana đã tạm thời bị gián đoạn. Điều đó khiến cho dầu Brent giao kỳ hạn tăng vọt. Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết: "Sự leo thang ở miền Bắc Iraq là động lực chính. Nguồn cung dầu từ khu vực này đang gặp nguy cơ."
Tuy nhiên, chính phủ Iraq khẳng định rằng đã khôi phục lại sản xuất dưới sự kiểm soát của mình. Theo Reuters, Chính quyền khu vực của người Kurd (KRG) cho biết sẽ không chặn dòng dầu chảy qua lãnh thổ của mình, nơi dầu được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng là tới thị trường toàn cầu thông qua một cảng Địa Trung Hải nằm trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà kinh doanh dầu, sau cú sốc ban đầu, dường như đã vượt qua tin tức dễ dàng. "Chắc chắn, ngày hôm nay có rất nhiều tin đồn về Iraq. Nhưng ngoài chuyện giá tiếp tục tăng thì không có tin tức nào về sự gián đoạn", một nguồn tin kinh doanh nói với S & P Global Platts.
Ngay cả khi dòng dầu chảy từ Iraq qua biên giới phía bắc bị ngưng lại và vẫn còn gián đoạn trong thời gian gần đây, thì điều đó không có nghĩa là thị trường dầu mỏ có thể thở phào nhẹ nhõm. Glen Ransom, nhà phân tích tại Control Risks ở Dubai cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg, cuộc đấu tranh giành lại Kirkuk, ngay cả khi lực lượng người Kurd phần lớn đã bỏ vị trí của họ, nghĩa là có khả năng gia tăng về "những sai lầm chính trị và quân sự".
Hơn nữa, Kurdistan đang xuất khẩu dầu thông qua đường ống của chính mình, được hoàn tất chỉ một vài năm trước đây. Vào năm 2014, khi ISIS nhanh chóng chiếm được vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía bắc Iraq, lực lượng người Kurd đã chuyển tới và chiếm được Kirkuk khi lực lượng Iraq tháo chạy khỏi bước tiến của ISIS. Kể từ đó, Kurdistan đã xuất khẩu dầu của Kirkuk thông qua đường ống của mình.
Nhưng, khi ISIS rút lui, chính phủ Iraq dường như nghĩ rằng đã đến lúc Kurdistan phải trả lại các mỏ dầu. Khi kẻ thù chung của họ bại trận thì cuộc chiến giữa KRG và Baghdad được đặt lên hàng đầu. Sami Nader, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Levant về các vấn đề chiến lược ở Beirut, nói với Bloomberg: "Cuộc chiến chống ISIS sắp đến hồi kết thúc và giờ đây cuộc chiến thực sự bắt đầu, cuộc chiến giữa các lực lượng trong khu vực để kiểm soát các nguồn lực và xác định khu vực ảnh hưởng của họ".
Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản là chỉ chuyển quyền kiểm soát các mỏ dầu thuộc Kirkuk từ KRG sang chính phủ Iraq. Baghdad có lẽ muốn sử dụng đường ống riêng của mình đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đường ống đó đang bị hư hỏng. Eurasia Group ước tính rằng xuất khẩu dầu có thể giảm 450.000 thùng/ngày cho đến khi đường ống đó được sửa chữa hoặc Baghdad đi đến một thỏa thuận chia sẻ doanh thu với KRG để xuất khẩu dầu qua hệ thống đường ống của người Kurd.
Đặt sang một bên cái mà người ta nghĩ về nền độc lập của người Kurd, trong ngắn hạn, cuộc trưng cầu dân ý có vẻ như đã bị phản đối kịch liệt. KRG gây ra cơn thịnh nộ cho Baghdad, chọc giận hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và thậm chí còn gây tức giận cho đồng minh của họ ở Washington. Mỹ từ lâu đã thân thiện với người Kurd, nhưng Washington sẽ đặt sự ổn định của Iraq lên trên nền độc lập của người Kurd trong bất cứ trường hợp nào.
Điều đó làm cho KRG không có được sự hỗ trợ nào khi mà quân đội Iraq đã chiếm được một phần Kirkuk. Có lẽ KRG phải chấp thuận và cho phép dầu được xuất khẩu qua lãnh thổ của mình dưới sự bảo trợ của chính phủ Iraq.
Xét cho cùng, điều đó có nghĩa là xuất khẩu dầu của Iraq và người Kurd sẽ không bị gián đoạn trong một thời gian dài, nếu như có gián đoạn. Nhưng mối đe dọa đối với nguồn cung dầu của Iraq cao hơn bất cứ thời điểm nào trong những năm gần đây do cuộc xung đột nội bộ lần này.
Nguồn tin: xangdau.net