Ngày 29/3, Chủ tịch Quốc hội Iraq bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục miễn trừ áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động trao đổi năng lượng của nước này với Iran vì Baghdad sẽ phải nhập khẩu điện từ quốc gia láng giềng thêm 3 năm.
Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, tỉnh Bushehr (Iran), ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Mỹ tìm cách chặn mọi hoạt động xuất khẩu từ Iran nhưng lại 2 lần gia hạn tạm miễn trừng phạt các hoạt động trao đổi năng lượng giữa Iran và Iraq, với lý do việc mất điện trên diện rộng sẽ khiến bất ổn tái diễn tại quốc gia đã chịu nhiều thiệt hại vì chiến tranh này.
Phát biểu tại Viện Hòa bình Mỹ nhân chuyến thăm tới thủ đô Washington, Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbusi bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục miễn trừ trừng phạt cho Iran cho tới khi quốc gia này có thể tự lực về kinh tế.
Ông cho biết dù có trữ lượng dầu mỏ vô cùng phong phú nhưng hiện nay Iraq vẫn phải nhập khẩu khoảng 30% năng lượng sử dụng từ Iran và cần thêm 3 năm trước khi có thể tự khai thác vốn dầu mỏ của mình. Ông khẳng định, sau 3 năm, Iraq sẽ tự chủ về kinh tế và không cần nhập năng lượng hay điện từ Iran. Ông Halbusi cũng cảnh báo Mỹ về tác động tiêu cực của việc áp dụng những chính sách và biện pháp vội vàng, thiếu tính toán nhằm chống lại các quốc gia trong khu vực.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Iraq cũng đã gặp một số quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Iraq ngày 27/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompe cam kết Mỹ sẽ giúp đỡ vì sự phát triển của quốc gia này.
Hồi tháng 5/2018, Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Tehran. Thỏa thuận này cho phép hạn chế chương trình hạt nhân Iran, đổi lại các quốc gia phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia dầu mỏ này.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ, chưa bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo và sự can dự của Iran vào tình hình khu vực. Sau khi rút lui, Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran nhằm vào nhiều lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng và xuất khẩu dầu mỏ để buộc Tehran quay lại bàn đàm phán.
Nguồn tin: baotintuc.vn