Ngày 26/10, trả lời báo giới trong một cuộc phỏng vấn, Phó Thủ tướng Nga D. Kozak cho biết, Iran đã không yêu cầu Nga tổ chức một kênh xuất khẩu dầu bí mật ngay trước khi lệnh cấm vận của Mỹ bắt đầu có hiệu lực.
Một tàu chở dầu của Iran
Những tin đồn về sự tồn tại của một thỏa thuận ngầm giữa Iran và Nga về việc bán dầu lách qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã xuất hiện từ giữa tháng 10 năm 2018.
Khi đó, cổng thông tin điện tử Israel mako.co.il công bố sự tồn tại một tài liệu bí mật của Bộ Ngoại giao Israel.
Theo mako.co.il, dường như vào tháng 9 năm 2018, tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống 3 nước V. Putin, H. Rouhani và R. Erdogan đã đồng ý triển khai kế hoạch cho phép Iran xuất khẩu dầu lách qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran.
V. Putin và H. Rouhani theo đó bị cáo buộc là đã thỏa thuận cho Iran bắt đầu thực hiện việc vận chuyển dầu thô qua biển Caspian tới các nhà máy lọc dầu của Nga, như vậy, dầu của Iran vẫn sẽ tiếp tục chảy vào thị trường thế giới, và Nga sẽ thanh toán cho nguồn cung cấp của Iran bằng các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Văn phòng Thủ tướng Israel, B. Netanyahu, từ chối bình luận những tin đồn về sự tồn tại của một báo cáo bí mật như thế.
Tiếp theo đó là việc Iran bác bỏ những tin đồn này.
Người đứng đầu Bộ Dầu mỏ Iran B. Zangane đã gọi những nội dung mà mako.co.il đăng tải liên quan đến vấn đề này là thông tin thất thiệt, ông cho rằng đây là những lời của người Israel và họ nói không đúng sự thật.
Bây giờ đến lượt sự bác bỏ từ phía Nga.
Nga hiện đang nhận dầu từ Iran theo chương trình đổi dầu lấy hàng hóa.
Chương trình này được đề xuất từ hồi tháng 8 năm 2014, tức là trong giai đoạn cấm vận chống Iran trước đây, sau đó được dỡ bỏ vào năm 2016.
Nhưng chương trình được bắt đầu thực hiện muộn hơn - Nga và Iran đã đồng ý bắt đầu giao hàng vào tháng 5/2017.
Theo chương trình này, Nga sẽ mua 5 triệu tấn dầu mỗi năm từ Iran và cung cấp ngược lại lượng hàng hóa trị giá 45 tỷ USD cho Iran, bao gồm những sản phẩm phục vụ các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Iran như đường sắt, xe tải và xe buýt, máy bay và thiết bị cho sân bay, đường ống dầu khí, dịch vụ xây dựng...
Vào tháng 2 năm 2018, Bộ trưởng B. Zangane có thông báo rằng Iran cung cấp cho Nga theo chương trình này mỗi tháng 3 triệu thùng dầu.
Về mặt chính thức, cả Nga và Iran đều không bình luận gì về những thông tin của báo chí Israel liên quan vấn đề này (thông tin cho rằng có sự “móc ngoặc” giữa hai nước để Iran có thể bán dầu lách qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ), coi đó chỉ là tin đồn thất thiệt.
Nhưng ngay cả nếu đó chỉ là những tin đồn nhảm đi nữa thì cũng đủ để cho Hoa Kỳ phải đề phòng.
Theo quan điểm của Washington, Nga không thể từ bỏ những lợi ích tốt nhất của mình để giúp Iran dễ dàng vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Những dữ liệu này cũng không chính thức, nhưng có lý do để suy ngẫm.
Được biết, vào tháng 5 năm 2018, Tổng thống Mỹ D. Trump đã tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời công bố việc tái áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Iran.
Vào đầu tháng 8 năm 2018, Hoa Kỳ đã thực thi một phần các biện pháp hạn chế đối với Iran.
Và từ ngày 5 tháng 11 năm nay, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ có hiệu quả đối với ngành năng lượng Iran, với mục đích là triệt tiêu hoàn toàn nguồn thu nhập của Iran từ xuất khẩu dầu mỏ.
Các nước châu Âu tham gia JCPOA tái khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận, nhưng các công ty châu Âu thực tế đang tắt kinh doanh ở Iran vì lo ngại các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ.
Về phần mình, Iran nói rằng việc xuất khẩu dầu là quyền bất khả xâm phạm của quốc gia và đe dọa sẽ chặn eo biển Hormuz, ngăn chặn toàn bộ tuyến vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư.
Trên thực tế, xuất khẩu dầu từ Iran đang giảm dần, mặc dù Tehran phủ nhận điều này.
Vào tháng 5 năm 2018, trước khi Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt, Iran đã xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Những khách hàng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, ngoài ra, nguồn cung cấp cũng được thực hiện cho các thị trường khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ đầu tháng 10 năm 2018, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống còn 1,33-1,5 triệu thùng/ngày.
Do e ngại làm mất lòng Mỹ nên Pháp và Hàn Quốc đã từ chối mua dầu từ Iran, nhưng Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục mua.
Sau các cuộc đàm phán kéo dài với Trung Quốc, Hoa Kỳ chỉ có thể đạt được một lời hứa không tăng lượng dầu nhập khẩu từ Iran.
Nguồn tin: petrotimes.vn