Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Iran thúc đẩy hợp tác với Iraq

Trong bối cảnh bị Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt, Iran tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với nước láng giềng Iraq. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và y tế.

Đoàn quân sự cấp cao hai nước Iran và Iraq thảo luận về hợp tác song phương. Ảnh Iran PRESS


Kể từ sau khi Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Tehran, Iran đối mặt nhiều khó khăn kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu, như dầu mỏ, ngân hàng và giao thông. Tổng thống Iran H.Rouhani từng tuyên bố, nước này đang trong tình trạng kinh tế khó khăn nhất 40 năm qua. Ðể giảm nhẹ những tác động từ các lệnh trừng phạt, quốc gia Hồi giáo đã thực hiện những chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ với nước láng giềng Iraq.

Ðứng trước nhiều cơ hội hợp tác, khi quốc gia láng giềng đang trong thời kỳ tái thiết đất nước sau cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), Iran đã ký với Iraq hàng loạt thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực. Iran bày tỏ sẵn sàng tăng cường quan hệ an ninh với Iraq, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố. Quốc gia này cũng mong muốn hỗ trợ Iraq trong quá trình tái thiết, sau khi đẩy lui chủ nghĩa khủng bố ra khỏi lãnh thổ. Tổng thống Iraq B.Salih cho rằng, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, nhằm bảo đảm an ninh chung. Ðối phó sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực, các nhà lãnh đạo Iran và Iraq đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan giới tuyến, vùng biển, cũng như xây dựng đường sắt và giếng dầu chung giữa hai nước. Cuộc chiến chống IS đã khiến nền kinh tế Iraq rơi vào khó khăn. Năm 2018, nước này ước tính chi phí tái thiết trong
10 năm sẽ lên tới khoảng 88,2 tỷ USD.

Iran hiện là nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Iraq. Ngoài thực phẩm đóng hộp và ô-tô, Iraq nhập khẩu 1.300 MW điện và 28 triệu m3 khí đốt mỗi ngày từ Iran, nhằm phục vụ các nhà máy điện. Ðể vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột triền miên, Quốc hội Iraq thông qua dự thảo ngân sách cho năm 2019 trị giá 112 tỷ USD. Ngân sách năm nay của Iraq tăng gần 45% so năm ngoái và thậm chí còn chi nhiều tiền hơn để trả lương cho người lao động trong khối nhà nước, trong đó có cả người lao động ở khu vực có phần lớn số dân là người Cuốc. Theo Quốc hội Iraq, ngân sách này sẽ tạo ra tổng thu nhập khoảng 89 tỷ USD dựa trên mức giá dầu mỏ trung bình ở Iraq là 56 USD/thùng dầu và mức xuất khẩu dầu thô 3,88 triệu thùng dầu/ngày. Nền kinh tế Iraq phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu thô, chiếm hơn 90% tổng thu nhập.

Việc thúc đẩy quan hệ với Iraq giúp Iran có thêm cơ hội để tìm cách "né" các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Iran từng cảm ơn Iraq đã từ chối áp đặt "các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp" của Mỹ nhằm vào Tehran. Hiện, Iraq tiếp tục mua điện và khí đốt thiên nhiên từ Iran. Hai nước cũng có kế hoạch tăng giá trị trao đổi thương mại song phương, từ mức 12 tỷ USD hiện nay lên 20 tỷ USD. Ðược sự khuyến khích của chính phủ, các công ty Iran có lợi thế trong việc giúp Iraq xây dựng lại đất nước.

Với những gắn bó về lịch sử và văn hóa, mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng sẽ đem lại lợi ích cho cả hai phía. Tăng cường hợp tác với Iran có thể giúp giảm sự can thiệp của phương Tây vào Iraq, trong bối cảnh Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội Iraq đang thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu về khả năng chấm dứt thỏa thuận song phương cho phép các lực lượng Mỹ duy trì hiện diện ở nước này. Ðối với Iran, những thỏa thuận hợp tác với Iraq vừa giúp duy trì ảnh hưởng của Tehran ở khu vực, vừa làm dịu sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nguồn tin: nhandan.com.vn

ĐỌC THÊM