Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Iran ký thỏa thuận trị giá 4,8 tỉ USD với công ty dầu khí của Pháp

 

Tòa nhà trụ sở của Total tại Courbevoie, Pháp

Iran đã phá vỡ lịch sử khi lần đầu tiên ký kết một thỏa thuận hợp tác lớn với một đối tác nước ngoài ở châu Âu, kể từ sau khi lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt lên nước này cách đây hơn một thập niên.

Theo CNBC, Iran đã ký một thỏa thuận trị giá 4,8 tỉ USD với một liên doanh do tập đoàn dầu khí đa quốc gia Total của Pháp đứng đầu hôm 3.7, nhằm mục đích phát triển mỏ khí đốt South Pars khổng lồ, mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Cụ thể trong thỏa thuận, Total nắm giữ 50,1% vốn đầu tư, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc chiếm 30% và 19,9% thuộc về Petropars của Iran.

Bộ Năng lượng Iran cho biết dự án South Pars trước mắt sẽ chỉ sản xuất khí đốt cho thị trường Iran bắt đầu từ năm 2021, đồng thời tạo ra khoảng 54 tỉ USD từ các sản phẩm khí đốt dựa trên mức giá hiện tại.

Được biết, thỏa thuận trên là sự hợp tác đầu tiên của Iran với một công ty dầu mỏ ở châu Âu trong hơn một thập niên qua. Mặc dù các bước để đi đến ký kết kéo dài đến 18 tháng, Iran vẫn hi vọng rằng đây sẽ là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự trở lại trong quan hệ đối tác thương mại quốc tế cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với quốc gia Hồi giáo kể từ khi nước này bị tẩy chay vào năm 2006, giữa những lo ngại Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

“Quyết định ký kết hợp đồng dự án South Pars là một dấu hiệu tích cực cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Iran”, Richard Mallinson, nhà phân tích địa chính trị của Energy Aspects, trả lời phỏng vấn của CNBC.

Bloomberg trích dẫn lời của Narendra Kumar Verma, giám đốc điều hành đơn vị đầu tư nước ngoài của hãng thăm dò mỏ lớn nhất Ấn Độ Oil & Natural Gas cho biết hiện tại không chỉ Pháp mà Ấn Độ cũng đã sẵn sàng rót vốn vào Iran khi thông báo rằng có một liên doanh các doanh nghiệp trong nước tuyên bố sẽ cung cấp tới 11 tỉ USD để phát triển một mỏ khí đốt tự nhiên khác tại quốc gia Trung Đông, mỏ Farzad-B, và xây dựng cơ sở hạ tầng để xuất khẩu nhiên liệu.

Iran là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai cho thị trường đông dân thứ hai thế giới, trong khi đó Ấn Độ cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và ổn định nhất trong ngành công nghiệp dầu khí của Iran. Tuy nhiên, mối quan hệ ngoại giao không mấy suôn sẻ giữa Tehran và các nước khác trên thế giới đã làm cho sự giao thương giữa hai bên trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, theo lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran được củng cố hồi tháng trước đã khiến Ấn Độ không thể giao dịch thương mại với Iran bằng đồng USD, do đó buộc New Delhi phải hoãn hoặc thanh toán trực tiếp bằng đồng rupi.

Nguồn tin: Thanhnien.vn

ĐỌC THÊM