Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Iran dọa đóng cửa Hormuz, Mỹ tự tin dọa ngược

Mỹ khẳng định không thế lực nào có thể đóng cửa eo biển Hormuz vì đây là vùng biển quốc tế, Mỹ sẽ gia tăng hiện diện quân sự tại đây. 

Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Iran, ông Brian Hook nói trong một cuộc họp báo hôm 23/4 về việc quân đội Mỹ sẽ cam kết đảm bảo việc tự do đi lại ở khu vực Eo biển Hormuz.

"Mỹ cam kết rằng quân đội của họ sẽ bay thường xuyên và đi đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Quân đội Mỹ sẽ đảm bảo an toàn cho giao thông thương mại và phi thương mại để đáp lại các cảnh báo của Tehran về việc đóng cửa eo biển Hormuz" - Ông Brian Hook cho biết.

Ông Hook nói với các phóng viên: "Tôi coi những đe dọa của Iran là hành vi tống tiền. Đây là việc làm thường xuyên của họ, họ đã đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz này nhiều lần đến mức tôi không còn có thể đếm được nữa.".

Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Iran, ông Brian Hook nhấn mạnh: "Các bạn sẽ thấy chiến đấu cơ của không quân Mỹ, tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ hoạt động liên tục tại đây. Mỹ cam kết đảm bảo bảo vệ cộng đồng toàn cầu trước những đe dọa phi lý từ phía Iran".

Tàu sân bay của Mỹ cùng tàu khu trục hộ tống đi vào Vịnh Ba Tư qua eo Hormuz

Những tuyên bố của ông Hook nhằm đáp lại lời đe dọa của phía Iran về việc sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu họ không thể xuất khẩu dầu, khí và nhiên liệu. "Nếu Iran không thể đưa dầu ra khỏi Hormuz vì các sức ép của Mỹ, Tehran đảm bảo không một giọt dầu nào có thể ra khỏi Vịnh Ba Tư".

Đây là lời thách thức mới nhất của Iran được phát đi hôm 22/4, khi Mỹ tuyên bố hủy bỏ mọi lệnh miễn trừ trừng phạt. Như vậy, bất kỳ quốc gia nào tham gia mua dầu với Iran đều bị liệt vào danh sách trừng phạt.

Eo biển Hormuz, một dải nước hẹp giữa Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman, được coi là một trong những cửa biển quan trọng nhất của thế giới đối với các nguồn cung cấp dầu trên thế giới. Hơn 18 triệu thùng dầu đi qua tuyến đường thủy này mỗi ngày, chiếm 30% lượng dầu vận chuyển trên thế giới bằng đường biển, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Trước lệnh trừng phạt, Iran đã xuất khẩu 2,1 triệu thùng mỗi ngày, con số đó đã giảm đi 700.000 thùng sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, khiến nguồn thu của nước này giảm mạnh.

Vì dầu là hàng hóa xuất khẩu duy nhất của Iran, nên mức doanh số xuất khẩu dầu “về mức không” mà Mỹ quyết tâm áp đặt cho Iran tương đương với doanh thu bằng 0 cho kho bạc của nước này. Đó là một viễn cảnh tồi tệ mà Tehran không bao giờ muốn thấy.

Tàu siêu tốc mang tên lửa vác vai của Iran trong một cuộc tập trận phong tỏa mặt biển

Tuy nhiên, Iran vẫn đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới trong việc buôn bán dầu khí của mình, trong đó có thể kể đến như Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq,... Vì thế, kỳ vọng để đưa mọi thứ về con số 0 của Mỹ là điều hoàn toàn không thể thực hiện. Tuy nhiên, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với nguồn thu của ngân sách Iran khi dự kiến các nguồn cầu sẽ tiếp tục giảm bớt.

Nhiều chuyên gia coi sự đe doạ của Iran là tuyên chiến. Xét về tiềm lực quân sự, đặc biệt là sức mạnh hải quân, Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển này bất cứ lúc nào họ muốn.

Lực lượng Hải quân Iran chỉ cần sử dụng một phần sức mạnh là có thể đóng cửa hoàn toàn Eo Hormuz. Nhưng đây là sự lựa chọn mà Iran sẽ phải trả giá cao bởi Mỹ cũng đã tìm cách để hiện diện quân sự ở đây.

Đóng cửa Eo biển Hormuz có nghĩa là châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực và có thể dẫn đến khả năng mở rộng ra phạm vi toàn cầu.

Một số chuyên gia nhận định, việc dọa đóng cửa Eo biển Hormuz của Iran chủ yếu là đòn chiến tranh tâm lý. Bởi lựa chọn này không khiến Iran có được cách giải quyết vấn đề tốt nhất.

Iran vẫn đang cố gắng tìm ra một giải pháp để vừa có thể xuất khẩu được dầu mỏ vừa tránh được sự đối đầu toàn diện về quân sự cũng như về chính trị với Mỹ, Israel và các nước vùng Vịnh bởi họ thừa biết, nếu xảy ra xung đột hậu quả sẽ thế nào.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM