Hai tuần trước, Iran tuyên bố đang có kế hoạch tăng sản lượng và xuất khẩu dầu bất chấp các lệnh trừng phạt đang diễn ra của Mỹ. Khi chúng ta thấy sản lượng liên tục tăng từ Iran kể từ đầu năm 2021, liệu nước này có thể vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ để lấy lại danh hiệu là một nước sản xuất lớn về dầu mỏ? Vào đầu tháng 9, Iran tuyên bố sẽ tăng sản lượng dầu trong những tháng tới, bất chấp các lệnh trừng phạt liên tục từ Hoa Kỳ làm hạn chế thị trường xuất khẩu của nước này.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji tuyên bố "Iran có ý chí mạnh mẽ trong việc tăng xuất khẩu dầu bất chấp các lệnh trừng phạt bất công và bất hợp pháp của Mỹ. Tôi cam kết những điều tốt đẹp sẽ diễn ra liên quan đến việc bán dầu của Iran trong những tháng tới."
Sau ba năm các lệnh trừng phạt được khôi phục, sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) dưới thời Tổng thống Trump vào năm 2018, Iran dường như đã chán ngấy việc Mỹ sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị. Mức sản lượng giảm xuống thấp hơn 500.000 thùng/ngày dầu trong phần lớn năm 2019 và 2020, dẫn đến một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Iran, cũng như các liên kết thương mại, khiến Iran vô cùng mệt mỏi với tình hình đang diễn ra.
Tổng thống mới, Ebrahim Raisi, đã được bầu vào chức vụ này hồi tháng 6, mang lại hy vọng quốc tế rằng Iran cuối cùng sẽ đi đến một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, điều này sẽ chứng kiến việc nới lỏng các lệnh trừng phạt năng lượng và phục hồi sản lượng và xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này vẫn chưa được nhìn thấy.
Iran có trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới và đã tuyên bố rằng nước này có kế hoạch tăng sản lượng từ 2,1 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày nếu Tổng thống Biden nới lỏng các lệnh trừng phạt. Điều này sẽ liên quan chặt chẽ tới việc nới lỏng các hạn chế của OPEC+ đối với sản lượng dầu trong năm nay.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Iran đã bị chỉ trích vì tiếp tục gia tăng đáng kể sản xuất uranium làm giàu cao cũng như không hoàn toàn hợp tác với các tổ chức giám sát quốc tế. Việc tăng cường sản xuất này có thể mang lại cho Iran khả năng sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), đây là thứ mà các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được cho là sẽ ngăn chặn.
Các cuộc gặp giữa Mỹ và Iran để thảo luận về khả năng khôi phục JCPOA, nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy sự hỗ trợ của Mỹ đối với ngành dầu khí của nước này và việc chấm dứt các lệnh trừng phạt, đã bị tạm hoãn kể từ cuộc bầu cử Iran vào tháng 6. Trong thời gian này, Iran đang gia tăng hoạt động nguyên tử và tìm cách thiết lập hỗ trợ kinh tế từ hai đối tác năng lượng quan trọng là Trung Quốc và Nga.
Iran dường như đã bất chấp các lệnh trừng phạt trong tháng này bằng cách vận chuyển dầu thô xuất khẩu sang Lebanon thông qua Syria, theo TankerTrackers, một công ty dịch vụ trực tuyến giám sát các tàu. Iran cũng được cho là đang hỗ trợ tình trạng thiếu hụt năng lượng của Syria bằng cách vận chuyển ba tàu chở dầu mỗi tháng cho nước này. Các tàu chở xăng dầu được biết đến sẽ vô hiệu hóa các bộ tiếp sóng hệ thống nhận dạng tự động (AIS) như là một cách để không thể nhìn thấy việc di chuyển.
Ngoài Lebanon và Syria, Afghanistan, dưới quyền cai quản mới của Taliban, dự kiến sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu liên tục của Iran để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Iran đã nối lại xuất khẩu nhiên liệu sang quốc gia bị chiến tranh tàn phá này vào cuối tháng 8 sau khi tạm dừng xuất khẩu do lo ngại về vấn đề an toàn. Taliban yêu cầu Iran tiếp tục con đường xuất khẩu năng lượng sang Afghanistan, vì Taliban coi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là mối đe dọa ít hơn sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này.
Giá xăng ở Afghanistan đã tăng lên 900 USD/tấn, buộc Taliban phải thừa nhận sự phụ thuộc vào Iran về nhu cầu nhiên liệu. Taliban quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu, bao gồm xăng, dầu diesel và LPG, từ Iran và các quốc gia láng giềng khác. Bất chấp các lệnh trừng phạt và sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Afghanistan, Iran dường như đã xuất khẩu khoảng 400.000 tấn nhiên liệu sang quốc gia này trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021. Tuy nhiên, số liệu thực tế vẫn là ẩn số và có thể cao hơn nhiều.
Doanh số bán dầu của Iran nhìn chung đã tăng vào năm 2021, khi các nhóm giám sát quốc tế suy đoán rằng xuất khẩu của Iran trong mùa xuân tăng gấp đôi so với năm ngoái. Với giá dầu tăng liên tục kể từ đầu năm 2021, điều này có thể có ý nghĩa đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn của Iran. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc xuất khẩu dầu bất hợp pháp thông qua bên trung gian có thể có tác động bất lợi đến lợi nhuận từ dầu của Iran.
Iran dự kiến xuất khẩu dầu trong giai đoạn này vào khoảng 2,3 triệu thùng/ngày và họ đã chính thức tuyên bố rằng họ chỉ đạt được 3% mức dự báo này. Tuy nhiên, các chuyên gia suy đoán rằng con số xuất khẩu thực tế có thể là khoảng 650.000 thùng/ngày, tức tương đương khoảng 30% mục tiêu dự kiến, có nghĩa là vẫn không biết được tình trạng thực sự của ngành công nghiệp dầu mỏ Iran và các mắt xích xuất khẩu.
Iran được cho là có các trung gian hỗ trợ hoạt động kinh doanh xuất khẩu dầu của họ ở Trung Quốc, vận chuyển trở lại các mặt hàng quan trọng tới Iran để đổi lấy nhiên liệu. Điều này có nghĩa là Iran trên thực tế đang nhận được rất ít tiền cho những mặt hàng xuất khẩu này, ngay cả khi nước này đang đẩy mạnh sản lượng dầu của mình.
Khi chính phủ mới trình bày kế hoạch tăng sản lượng dầu vào năm 2021 cùng với việc muốn tăng cường hoạt động nguyên tử, về cơ bản thì họ không thể cùng lúc có được cả hai, nên việc khôi phục JCPOA có vẻ không chắc chắn hơn. Tuy nhiên, nếu Iran muốn mở rộng các mắt xích giao thương năng lượng của mình và thu lợi nhuận từ chúng, họ sẽ phải giảm sự phụ thuộc vào các bên trung gian thực hiện các hoạt động bí mật, có nghĩa là họ sẽ cần sự hỗ trợ của Mỹ để giúp nền kinh tế dầu mỏ của mình phát triển trở lại.
Nguồn tin: xangdau.net