Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Indonesia liệu có thể chuyển hướng sang cắt giảm sản lượng của mình?

Vào cuối năm 2016, Indonesia – nước đã tái gia nhập OPEC chỉ vài tháng trước đó - từ chối tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản xuất và tạm ngưng tư cách thành viên của mình trong tổ chức này.

Bây giờ Indonesia lại nói rằng sẽ rất vui khi được tái gia nhập OPEC nếu họ tìm cách để thúc đẩy sản xuất dầu thô và giảm nhập khẩu.

Indonesia hiện là nước nhập khẩu ròng dầu thô, trong khi theo quy định của OPEC “bất kỳ quốc gia nào khác có xuất khẩu ròng dầu thô đáng kể” và lợi ích tương tự có thể tham gia cartel, trong lúc chờ các thành viên phê duyệt. Tuy nhiên, xét cho cùng thì nó được gọi là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Indonesia lần đầu gia nhập OPEC là vào năm 1962, trở thành thành viên châu Á đầu tiên của tổ chức này nằm ngoài Trung Đông. Indonesia bị đình chỉ tư cách thành viên vào năm 2009, khi sản xuất dầu trong nước sụt giảm làm cho nước này trở thành một nước nhập khẩu ròng dầu thô. Indonesia sau đó tái gia nhập OPEC vào tháng 1 năm 2016, nhằm mục đích sử dụng tư cách thành viên của mình trong tổ chức này để ký các thỏa thuận hợp tác song phương nhằm tăng sản lượng dầu đang giảm.

Nhưng trong khi OPEC và mười quốc gia không thuộc OPEC do Nga dẫn đầu đã ký kết thỏa thuận cắt giảm sản xuất vào tháng 11/2016, thì Indonesia quyết định rằng việc tham gia cắt giảm sẽ không mang lại lợi ích cho mình và đã ngừng tư cách thành viên tại cuộc họp ký kết thỏa thuận.

Indonesia hiện đang hướng tới cắt giảm nhập khẩu dầu thô và hóa đơn nhập khẩu dầu thô trong bối cảnh tài chính của chính phủ suy giảm do đồng nội tệ mất giá. Hai trụ cột của chính sách này đang thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học trong lĩnh vực giao thông và ưu tiên cung cấp dầu thô được sản xuất trong nước cho thị trường nội địa trước khi xem xét xuất khẩu.

“Nếu chúng tôi có thể tăng sản xuất, chúng tôi rất vui mừng được tái gia nhập”, Ir Saleh Abdurrahman, Tổng thư ký Hội đồng Năng lượng Quốc gia Indonesia, nói với S & P Global Platts bên lề hội nghị ADIPEC tại Abu Dhabi hôm thứ Hai.

Sản lượng dầu thô nội địa hiện tại của Indonesia là khoảng 800.000 thùng/ngày, trong khi nhập khẩu của nó là khoảng gấp đôi khối lượng này - 1,5 -1,6 triệu thùng/ngày, Abdurrahman nói với Platts.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang trên con đường lớn của việc giới thiệu diesel sinh học và ethanol sinh học cho ngành giao thông vận tải của mình," Abdurrahman nói với Platts vào thứ Hai.

Hai tháng trước, Indonesia đã đưa ra luật sử dụng bắt buộc 20% nhiên liệu sinh học (B20) – chủ yếu là dầu cọ - để sử dụng trong tất cả các máy diesel, bao gồm các nhà máy điện, thiết bị nặng và đầu máy xe lửa. Các quan chức Indonesia đã ước tính rằng lượng dầu diesel sinh học bắt buộc sẽ tiết kiệm cho nước này được khoảng 6 tỷ USD chi phí diesel mỗi năm, Reuters đưa tin.

Indonesia cũng đang xem xét khả năng chuyển đổi hai nhà máy lọc dầu cũ thành các nhà máy nhiên liệu sinh học, một Bộ trưởng Indonesia cho biết vào tháng Mười.

Chính phủ Indonesia và hãng dầu khí của Italia, Eni đang nghiên cứu khả năng chuyển đổi hai nhà máy lọc dầu của công ty năng lượng quốc gia Indonesia Pertamina được xây dựng vào thập niên 1930, Bộ trưởng các doanh nghiệp nhà nước Indonesia, Rini Soemarno, cho biết.

Hồi tháng 9, Eni và Pertamina đã ký một Biên bản ghi nhớ để thăm dò cơ hội tại Nhà máy lọc dầu xanh, nơi mà hãng dầu khí của Ý sẽ gởi sang các chuyên gia của mình để nghiên cứu về việc chuyển đổi cũng như vận hành các nhà máy lọc dầu sinh học.

Đối với Indonesia, việc chuyển đổi các nhà máy lọc dầu sang các nhà máy nhiên liệu sinh học sẽ phù hợp với một số mục tiêu chiến lược - hấp thụ nhiều hơn sản lượng dầu cọ của nước này (mà Indonesia là nhà sản xuất lớn nhất thế giới), cắt giảm chi phí dầu thô và từ đó cố gắng giảm thâm hụt tài khoản vãng lai đang phình to lên, giảm nhập khẩu dầu thô trong khi cố gắng đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Indonesia đã đưa ra một đạo luật mới vào tháng 9 để ưu đãi cho sản xuất dầu thô trong nước hơn so với dầu thô nhập khẩu. Điều luật mới quy định rằng các công ty khai thác dầu khí ở Indonesia trước tiên phải bán sản phẩm của họ cho Pertamina ở Indonesia trước khi xem xét đến xuất khẩu dầu thô.

Tuy nhiên, nếu muốn giảm sự phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu, Indonesia cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sản xuất trong nước - và dù đã có một số nỗ lực gần đây nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công.

Pertamina sẽ cần 100 tỷ USD để tăng sản lượng dầu nếu muốn đáp ứng nhu cầu dầu trong nước, nhưng 70% khoản vốn chi tiêu này dự kiến sẽ ​​đến từ các quỹ và đối tác bên ngoài, phó chủ tịch kế hoạch chiến lược kinh doanh doanh nghiệp của Pertamina, Ernie D Ginting, cho biết hồi tháng Chín.

Indonesia phải chạy đua với sự suy giảm tự nhiên và cạnh tranh để có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tăng đáng kể sản lượng dầu của mình. Nhưng nếu OPEC và Nga thể chế hóa hiệp ước hợp tác của họ trong nhiều năm tới - như dự đoán rộng rãi - Indonesia có lẽ sẽ không quá vui khi được yêu cầu cắt giảm sản xuất nếu họ gia nhập cartel một lần nữa.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM