Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ) cho biết trong báo cáo triển vọng 2021 vào ngày 15/10 rằng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2040 vì nhu cầu nhiên liệu vận tải sẽ giảm mạnh và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong thế giới hậu coronavirus.
Shigeru Suehiro, nhà kinh tế và quản lý cấp cao tại nhóm phân tích thống kê và kinh tế của IEEJ, cho biết: “Trong kỷ nguyên hậu coronavirus, chúng tôi dự báo nhu cầu về nhiên liệu vận tải sẽ bị hạn chế đáng kể”.
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu đạt đỉnh vào khoảng năm 2040 do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, cùng với nhu cầu nhiên liệu đối với ô tô, máy bay và tàu biển ít hơn”.
Trong kịch bản hậu đại dịch, IEEJ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh 106 triệu thùng/ngày vào năm 2040 và giảm tiếp xuống 102 triệu thùng/ngày vào năm 2050, chủ yếu do nhu cầu ô tô giảm, Suehiro cho biết.
Suehiro nói: “Trong một thế giới như vậy, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Trung Đông có thể chịu tác động lớn, và việc đa dạng hóa nền kinh tế của họ sẽ rất quan trọng”.
Nhấn mạnh rằng nhu cầu dầu sẽ vẫn mạnh sau khi đạt đỉnh, đầu tư thượng nguồn sẽ rất quan trọng để ngăn chặn khủng hoảng nguồn cung và sự bất ổn của thị trường dầu trong tương lai, ông nói.
IEEJ, một chi nhánh thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, công bố triển vọng năng lượng toàn cầu cho đến năm 2050 hàng năm.
Kịch bản tăng trưởng
Trong kịch bản tham khảo của mình, theo đó giả định tác động của đại dịch đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tiêu tan trong vài năm tới, IEEJ kỳ vọng nhu cầu năng lượng sẽ tăng vào năm 2050 do nhu cầu châu Á tăng trưởng, Suehiro nhận định.
Kịch bản tham khảo dựa trên giả định rằng các chính sách năng lượng và môi trường hiện tại sẽ được duy trì mà không cần áp dụng các chính sách khử cacbon triệt để.
IEEJ dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng lên 116 triệu thùng/ngày vào năm 2050 chủ yếu do nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiên liệu vận tải và nguyên liệu hóa dầu dựa trên kịch bản tham khảo của mình, Suehiro nói.
Khoảng một nửa trong mức tăng trưởng nhu cầu dầu khoảng 20 triệu thùng/ngày vào năm 2050 sẽ được các nhà sản xuất OPEC ở Trung Đông đáp ứng do nguồn dự trữ dồi dào và chi phí sản xuất thấp trong kịch bản tham khảo của IEEJ.
“Ở châu Á, chúng tôi dự đoán sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn. Sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu năng lượng ở châu Á chủ yếu được dẫn dắt bởi nhu cầu năng lượng gia tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhưng trong 30 năm tới, Ấn Độ và ASEAN sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu hơn là Trung Quốc”, Suehiro nói.
Đến năm 2050, Ấn Độ sẽ chiếm hơn một phần ba lượng gia tăng nhu cầu năng lượng toàn cầu do nhu cầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào cuối những năm 2030, theo kịch bản tham khảo của IEEJ.
Công nghệ tiên tiến, các kịch bản CCE
Trong khi IEEJ dự báo nhiên liệu hóa thạch sẽ chiếm 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2050 theo kịch bản tham khảo của mình, thì trong kịch bản công nghệ tiên tiến, con số này ở mức 67%, với nhu cầu dầu, than đá và khí đốt tự nhiên đã đạt đỉnh vào thời điểm đó.
Kịch bản công nghệ tiên tiến dựa trên giả định rằng số lượng tối đa các công nghệ đổi mới đã được giới thiệu khi các quốc gia thực thi các chính sách nghiêm ngặt về năng lượng và môi trường để chống lại biến đổi khí hậu.
Trong triển vọng mới nhất của mình, IEEJ đã đưa ra một kịch bản Kinh tế Các-bon tuần hoàn CCE, theo đó tổ chức này xem xét cách các quốc gia trên thế giới có thể theo đuổi cả việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon dioxide bằng cách cải tiến công nghệ Giảm thiểu, Tái sử dụng, Loại bỏ và Tái chế, tức 4Rs.
CCE là một trong những chương trình nghị sự quan trọng sẽ được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh G20 do Saudi Arabia đăng cai vào tháng 11.
Kịch bản CCE giả định cùng 67% thị phần nhiên liệu hóa thạch trong nhu cầu năng lượng vào năm 2050 như trong kịch bản công nghệ tiên tiến, nhưng lượng khí thải CO2 sẽ giảm thêm 5 tỷ tấn.
“Bằng cách tối đa hóa việc sử dụng công nghệ khử cacbon, lượng khí thải CO2 có thể giảm đáng kể mặc dù tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp năng lượng vẫn không thay đổi,” nhà kinh tế cấp cao tại đơn vị quản lý và lập kế hoạch của IEEJ, Yoshikazu Kobayashi, cho biết tại cuộc họp.
“Nói cách khác, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải CO2 có thể được theo đuổi đồng thời bằng cách tối đa hóa việc sử dụng các công nghệ khử cacbon”, Kobayashi nói.
IEEJ kỳ vọng việc sử dụng hydro để thay thế một số sản xuất nhiệt điện than và thay thế một số sản phẩm dầu trong vận tải là một trong những lựa chọn khả thi để giảm đáng kể lượng CO2, Kobayashi nói.
Hydro được dự báo sẽ chiếm 5% trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu năm 2050 để sản xuất điện trong kịch bản CCE của IEEJ.
Nguồn tin: xangdau.net/Platts