Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết thị trường dầu toàn cầu sẽ vẫn cần tới dầu của Nga ngay cả với mức trần giá dự kiến.
Birol cho biết tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore, được Reuters đưa tin, mức trần giá do G7 đề xuất và thúc đẩy với mục đích cho phép dầu Nga tiếp tục chảy vào thị trường, nhưng ở mức thấp hơn giá thị trường.
Tháng trước, nhóm G7 gồm các quốc gia công nghiệp phát triển nhất đã đồng ý hoàn thiện và thực hiện giới hạn giá dầu của Nga, nhằm mục đích giảm doanh thu từ dầu của Vladimir Putin để phục vụ cho chiến tranh. Theo đó, G7 sẽ cấm các dịch vụ vận chuyển hàng hải đối với dầu của Nga trừ khi các sản phẩm được mua bằng hoặc thấp hơn một mức giá nhất định.
Các đại sứ của Liên minh châu Âu cũng tán thành mức trần giá sau khi đạt được thỏa thuận hồi đầu tháng nhằm áp đặt gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cấm vận chuyển hàng hải đối với dầu của Nga đến các nước bên thứ ba trừ khi dầu được bán thấp hơn hoặc ở một mức giới hạn giá nhất định.
Nhiều nhà phân tích và chuyên gia nghi ngờ rằng giới hạn giá sẽ phục vụ mục đích kép là cắt giảm doanh thu của Putin trong khi giữ cho dầu của Nga tiếp tục chảy vào thị trường vì hai nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc và Ấn Độ chưa ký vào giới hạn giá, và vì Putin có thể đơn giản chỉ cần thực hiện lời đe doạ của mình là ngừng cung cấp tất cả năng lượng - bao gồm dầu thô, nhiên liệu, khí đốt tự nhiên và than đá - cho các quốc gia tham gia giới hạn giá dầu.
Tuần trước, một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ và các đại diện trong ngành thừa nhận với Reuters rằng Nga có thể né được giới hạn giá vì nước này có khả năng tiếp cận đủ tàu chở dầu và dịch vụ vận tải và bảo hiểm để vận chuyển dầu của mình. Đã có những ước tính rằng Nga có thể tiếp tục vận chuyển 80-90% lượng dầu của mình mà không bị giới hạn giá, và những ước tính đó "không phải là không hợp lý", quan chức Hoa Kỳ giấu tên nói với Reuters.
Nguồn tin: xangdau.net